Phân phối nội địa là một hoạt động thường xuyên, liên tục, khá phức tạp ở các đô thị lớn đông đúc như Tp.HCM và Hà Nội do các giới hạn về i) giờ giấc vận hành nội thành ii) có chỗ đậu xe giao hàng iii) giới hạn tải trọng theo con đường. Bài viết chia sẻ góc nhìn về quá trình phát triển hoạt động giao hàng nội thành trong gần 30 năm qua để thấy sự dịch chuyển theo nhu cầu thị trường đòi hỏi sự thích nghi, cải tiến liên tục.
Nếu nói về quá trình phát triển trong giao hàng nội thành, mình xin phép được chia ra làm 3 giai đoạn như sau: 1995 – 20xx; 20xx – 2021; 2012 – nay, mỗi giai đoạn là một bước tiến mới trong hoạt động ngành logistics Việt Nam. Lý do có chữ xx là không có một thời điểm cụ thể nhưng có sự tương đồng giữa các doanh nghiệp chủ hàng như P&G, Unilever, Nestle, FCV, Vinamilk,..
1995 – 20XX: Giao hàng nội thành thời dễ thở
Nếu chúng ta còn nhớ, năm 1995 là thời điểm chúng ta mở rộng cửa với kinh tế thế giới với hàng loạt sự kiện: Việt Nam bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ, Việt Nam gia nhập Asean, các tập đoàn đa quốc gia hàng đầu như P&G, Unilever, Pepsico,.. lần lượt “đổ bộ” vào Việt Nam. Khi đó, các nhà máy mới xây, sản lượng sản xuất còn ít, đôi khi phải phân bổ chứ không đủ hàng bán, thì quyền lực trong tay các ông chủ hàng nhiều ghê lắm: quyết định lịch đặt hàng và sản lượng đặt hàng tối thiểu.
Mỗi ngày, căn cứ vào lịch đặt hàng quy định trước (vd: 2 lần/tuần hoặc 3 lần/tuần), các Nhà phân phối (viết tắt: NPP) lên đơn hàng, sau đó, chờ được nhận hàng theo khung giờ đã thống nhất, thường mất 1-3 ngày.
Các nhà phân phối trong nội thành thì đơn tối thiểu cũng phải 1.5 tấn để tận dụng tối đa mỗi lần đi giao hàng. Thời đó, nhà xe khỏe lắm, có thể chọn đầu tư những loại xe có thùng xe to như xe VEAM để chở tối đa hàng nhẹ (như giấy vệ sinh, snack,..) kết hợp hàng nặng (bia, nước ngọt,..). Thậm chí, có bác còn hoán cải xe từ 3.5 tấn xuống còn 1.9 tấn để có thùng xe to đi giao hàng trong nội thành.
Giờ giấc thời đó cũng ổn, giao hàng từ 8h sáng đến 15h là lo chạy khỏi thành phố, tới nhà là khoảng 5h, ăn cơm tối với gia đình vui vẻ, nên khá nhiều doanh nghiệp vận tải giao hàng ra đời. Đội xe tải giao hàng tự phát cũng sinh sôi một cách tự nhiên, thường được gọi là “xe mồ côi” – ai kêu thì chạy thôi, chủ yếu quen và tin tưởng nhau.
20XX – 2021: Giao hàng nội thành phải tối ưu
Mình nghĩ là mô hình “tồn kho nhà phân phối bằng không” do P&G triển khai tại các NPP lớn trong khoảng thời gian 2016-2018 đã tạo ra một làn sóng mới về cách giao hàng mới. Cụ thể:
Sales NPP đi lấy đơn hàng từ 8h-16h như bình thường.
NPP tổng hợp đơn và gửi đơn về cho P&G trong khoảng 17h-19h.
P&G xử lý đơn hàng và cho bốc hàng lên xe trong khoảng 22h – 3h sáng ngày tiếp theo.
Nhà vận tải giao hàng đến cho NPP ở nội thành trong khoảng 3h-6h sáng.
NPP chia hàng hóa ra cho đội xe vận tải đi giao hàng luôn trong ngày, không có tồn kho (trừ một vài trường hợp sự cố).
Giải pháp này đem lại lợi ích cho nhiều bên:
Với NPP: giải phóng được hàng hóa tồn kho không cần thiết, chỉ đặt hàng đúng với nhu cầu thị trường, không bị rủi ro giữ hàng hóa mà thị trường không có nhu cầu.
Với nhà vận tải: tận dụng xe trống ban đêm để khai thác thêm chuyến, nâng cao hiệu suất khai thác phương tiện.
Với tài xế: có thêm thu nhập. Thực tế thời gian di chuyển của tài xế trên đường chỉ mất khoảng 50% tổng thời gian làm việc (khoảng 4-6 tiếng/ngày) và những khoảng thời gian trống chờ dỡ hàng lên/xuống thì có thể tranh thủ chợp mắt, nên cũng có một số bác tài trẻ chịu khó làm thêm.
Với P&G: nâng cao hiệu quả vận hành giao hàng, giúp cho nhà phân phối hiệu quả hơn, giảm rủi ro đặt hàng khi không có nhu cầu, tối ưu hóa công tác giao hàng nhờ ban đêm giao hàng bằng xe tải lớn, giá cước đơn vị rẻ hơn so với xe tải nhỏ.
Với xã hội: góp phần giảm ùn tắt, kẹt xe trong ngày, góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân.
Từ thành công của mô hình này, nhiều đơn vị cũng học hỏi để triển khai, đưa bài toán giao hàng nội thành ban đêm trở nên hiệu quả hơn. Cho tới khi… Cô vy đến lại đặt ra yêu cầu mới về sự thay đổi. Kỳ này, thay đổi lại bị dẫn dắt bởi các xu hướng: đặt hàng online thời Cô vy, xu hướng quản trị bán hàng đa kênh (Omni channel), sự tham gia của các tay chơi công nghệ.
2021 – nay: Giao hàng nội thành thời nghẹt thở
Nếu hồi 1995, cán cân quyền lực nghiêng về phía các Nhà máy thì ngày nay, các Nhà phân phối, nhà bán lẻ có tiếng nói quyết định trong bài toán giao hàng. Năm nay, gặp nhiều doanh nghiệp vận tải, ai ai cũng than khó: sản lượng giảm đã đành mà lịch đặt hàng không còn cố định và sản lượng đặt hàng tối thiểu cũng trở thành dĩ vãng. Có những đội xe VEAM hầm hố hồi xưa cho thu nhập rất ổn thì ngày nay, nhiều chủ đội xe ngậm ngùi chia tay do nhu cầu không còn.
Trong xu hướng người mua hàng có quá nhiều chọn lựa: ra cửa hàng tiện lợi gần nhà, đặt hàng online, đi siêu thị online thì đơn hàng ngày càng nhỏ và càng sát với nhu cầu thực tế. Các nhà sản xuất sẽ khoái mô hình D2C (tiếng Anh là Direct to Consumer) để có thể nắm bắt sát nhất nhu cầu thị trường, giảm rủi ro sản xuất hàng không ai hứng thú thì các nhà bán lẻ "lên ngôi".
Không chỉ với các thương hiệu nổi tiếng như Bách Hóa Xanh, Co.op Mart,.. tăng trưởng mạnh mẽ với số lượng điểm bán lên đến hàng ngàn, các sàn thương mại điện tử cũng liên tục “đốt” để tạo thói quen shopping online, đến mức mấy bạn trong phòng mình cứ “cái gì cũng lên shopee cho nó lẹ”. Bài học của Amazon, từ một sàn thương mại điện tử trên con đường trở thành nhà cung cấp dịch vụ logistics lớn nhất thế giới rất chi nhãn tiền.
Bạn có bao giờ nghe máy bay vận tải mang thương hiệu Amazon chưa? Và ở Việt Nam mình, không sớm thì muộn, Shopee Express sẽ là công ty logistics có “số má” trong thời gian rất ngắn! Thử quan sát một số phát triển trong thị trường giao hàng nội thành trong giai đoạn này:
Xu hướng xe tải hiệu quả bây giờ là thùng kín, gọn nhẹ, giao nhanh. Loại xe đang được hoán cải để có thể khai thác thêm khung giờ cấm xe tải là xe 16 chỗ chở khách hoặc xe bán tải chuyển đổi thành phương tiện chở hàng. Các đội xe công nghệ mới như Ahamove, GogoX, Lalamove,.. có lợi thế tiên phong trong mô hình này.
Hoạt động x-docking (gom hàng bằng xe tải lớn từ nhà máy về các điểm trung chuyển tiện lợi rồi đi giao cho các điểm phân phối lân cận) trở nên phổ biến với các nhà vận tải. Những cái tên tiêu biểu cho giải pháp x-Docking này bao gồm Vinafco, iGap, Vạn Lợi…
Bản thân các nhà phân phối theo mô hình công nghệ như Vinshop, Telio, Loship.. cũng nhanh chân phủ rộng mạng lưới và điều tiết hoạt động giao hàng nội thành, cạnh tranh với các nhà phân phối theo mô hình truyền thống.
Các nhà phân phối truyền thống trước đây cũng đang nhanh chân trên hành trình chuyển đổi số, có apps cho các chủ cửa hiệu bán lẻ, có hệ thống theo dõi giao hàng riêng. Có thể kể một số Apps uy tín như Bon Bon Shop, Sổ Bán Hàng, Kilo..
Nhìn lại diễn biến thị trường trong thời gian qua, có thể thấy sự vận động, chuyển hóa là liên tục để hoạt động logistics trở nên hiệu quả hơn. Đề án “Giao hàng nội thành ban đêm” ở Tp.HCM đã được nâng lên – đặt xuống mấy lần từ 2020 nhưng đến nay vẫn chưa đi đến được kết luận cuối cùng. Nhưng có lẽ, xu thế này khó đảo ngược được.
Mong Quý Anh Chị Em bằng hữu trong ngành Logistics tiếp tục giữ sức khỏe, giữ lửa để gắn bó với ngành Logistics Việt Nam đang trên đà tiến bộ hơn mỗi ngày!
Trân trọng và Yêu thương,
Comments