top of page

MICRO FULFILLMENT: GIẢI PHÁP GIAO HÀNG ONLINE HIỆU QUẢ CHO NHÀ BÁN NHỎ

Đã cập nhật: 22 thg 12, 2023

Vào một ngày đẹp trời, mình có duyên đi tham quan Supply Chain City ở Singapore. Trong tòa nhà trị giá hơn 200 triệu USD, diện tích mặt bằng 6,5ha, cao đến 50m gồm 7 tầng, có một tầng nhỏ cao chỉ cao tầm 4m và rộng khoảng 200m, được vận hành bằng Robot “đưa hàng tới người” (tương tự mô hình Robot bạn thường thấy trong kho hiện đại của Amazon). Đó là một Micro Fulfillment Center (viết tắt là MFC). Ở Việt Nam, xu hướng bán hàng online nở rộ đang thúc đẩy sự phát triển của mô hình này, đáp ứng nhu cầu các nhà bán nhỏ và siêu nhỏ.


MÔ HÌNH MICRO FULFILLMENT (MFC) LÀ GÌ?

Mô hình MFC là một hình thức cải tiến của dịch vụ fulfillment, trong đó các trung tâm fulfillment nhỏ (MFC) được đặt gần với người tiêu dùng, thường là trong các cửa hàng bán lẻ, để giảm thời gian và chi phí vận chuyển hàng hóa. Mô hình này sử dụng công nghệ tự động hóa, như robot, để tăng hiệu quả và tiết kiệm không gian kho bãi. Mô hình micro fulfillment có nhiều lợi ích, như:

  • Tăng cường trải nghiệm khách hàng: Mô hình micro fulfillment cho phép người tiêu dùng nhận hàng nhanh chóng, thậm chí trong vòng vài giờ, hoặc có thể đến lấy hàng tại cửa hàng gần nhất. Điều này giúp tăng sự hài lòng và trung thành của khách hàng.

  • Giảm thiểu chi phí vận hành: Mô hình micro fulfillment giúp giảm chi phí vận chuyển, bảo quản và thuê kho bãi, bằng cách sử dụng các không gian nhỏ và tận dụng công nghệ tự động hóa. Điều này giúp tăng lợi nhuận và cạnh tranh cho các doanh nghiệp.

  • Tăng khả năng linh hoạt: Mô hình micro fulfillment cho phép các doanh nghiệp thích ứng nhanh chóng với nhu cầu thị trường, bằng cách điều chỉnh số lượng và loại hàng hóa tại các MFC. Điều này giúp tối ưu hóa quản lý tồn kho và tránh lãng phí.

FULFILLMENT: SÂN CHƠI CỦA CÁC ÔNG LỚN

Vào thời bán hàng online lên ngôi, nhà nhà đi bán hàng, người người đi “duyệt deal, chốt đơn” xoen xoét. Trong vòng 10 năm vừa qua, hình như chưa có năm nào lĩnh vực TMĐT ở Việt Nam tăng trưởng dưới 2 chữ số.

Song hành với sự phát triển của tình hình bán hàng là các mô hình giao hàng trong e-logistics. Làm sao để rút ngắn được thời gian giao hàng từ vài ngày xuống còn vài tiếng? Mô hình điển hình được khai thác là Hub-to-Spoke: nghĩa là hàng hóa được gom về 2 Hub lớn là Tp.HCM và Hà Nội theo trục chính là luồng hàng Nam – Bắc, rẽ nhánh xương cá đến các tỉnh, từ các tỉnh lại tỏa đi các huyện, rồi xuống xã, mỗi điểm này được gọi là Spoke. Tại mỗi spoke, nhân viên giao hàng sẽ lĩnh vài chục tới vài trăm món hàng để đi phát tận tay người dùng.


Trong e-logistics, Hub đóng vai trò là điểm tiếp nhận và phân loại hàng hóa, đòi hỏi quy mô lớn và có thể khai thác công nghệ tự động hóa. Đầu tư cho Hub rất tốn kém và chỉ phù hợp với các “ông lớn”.


Nếu cách đây 10 năm, giai đoạn 2013-2015, có lẽ nhiều người còn nhớ hình ảnh cụm 3 kho hàng to thiệt là to của Lazada ở KCN Tân Bình, Quận Tân Bình, Tp.HCM. Thời đó, mỗi gian kho của Lazada chỉ có 5-6 ngàn m2 mà chúng ta đã thấy ngợp rồi.



Năm nay, hồi tháng 3/2023, Lazada đã khánh thành Lazada Logistics Park (ở KCN Sóng Thần 1, Thuận An, Bình Dương) với quy mô lên tới 20,000 m2, trong đó, có hệ thống chia chọn tự động rất hiện đại với công suất thiết kế lên đến 1 kiện hàng/ngày.

Nhìn ra chung quanh, những “cánh chim đầu đàn” như VNPost, Viettel Post, GHN, SPX, J&T, BEST.. đều đã phát triển mô hình Hub-to-spoke, có kho chia chọn (sorting center) tập trung hiện đại và mạng lưới spoke lên đến trên chục ngàn điểm, đảm bảo phủ khắp 63 tỉnh thành.

Với các “ông lớn” nói trên, quy trình giao hàng thường là: Xe tải nhẹ lấy hàng ở các Hub, sau đó đến từng phường/xã và giao nguyên túi hàng cho một bạn nhân viên phụ trách ở phường/xã. Bạn nhân viên này túc tắc đi giao hàng trong khu vực đã quá quen thuộc, đó là lý do mà khi mua hàng online, chúng ta gần như rất quen mặt anh nhân viên giao hàng của từng công ty như Shopee, Lazada hay VNPost. Câu hỏi tiếp theo là, với quy mô lớn như vậy, đâu là cơ hội cho các anh chị bán hàng nhỏ lẻ theo mùa?

MICRO FULFILLMENT: GIẢI PHÁP CHO NHÀ BÁN SIÊU NHỎ

  1. Vào những thời điểm nhất định trong năm, nhu cầu tiêu dùng một nhóm mặt hàng nào đó lại rộ lên, chẳng hạn: mùa trung thu, mùa Tết, mùa Noel, mùa tựu trường.. Khi đó, có những người bán hàng “theo mùa” tham gia thị trường, xong thì lại trở về cuộc sống thường nhật. Ai sẽ phục vụ họ?

  2. Một chị gái đi du lịch ở một đất nước xinh đẹp, thấy món hàng A hay quá, nhập về bán thử trên tóp tóp. Chị cũng hỏi thăm các nhà Fulfillment Center nhưng khi nghe câu hỏi về “dự báo bán được bao nhiêu hàng/tháng? Phải cam kết sản lượng tối thiểu bên em mới phục vụ nha”. Ok, nghỉ khỏe, chị tự thuê cái nhà rồi tự làm cho chúng mày biết tay!

  3. Vào những thời điểm ngắn hạn như các “double-day” (9/9, 11/11, 12/12,..) lượng đơn hàng tăng đột biến từ 1x lên 10x thì không hạ tầng e-logistics nào chịu nổi, nghĩa là nhân viên quần quật tăng ca và đơn giao trễ thì vẫn phải trễ. Liệu có ông nào lãnh dùm hàng ở những mùa ngắn hạn như vậy?

Trong cả ba tình huống nêu trên, mô hình MFC đều có thể phát huy tác dụng.

  • MFC có thể giúp các anh chị bán hàng online cá nhân quản lý hàng hóa chuyên nghiệp để tập trung bán hàng, bán hết thì nghỉ.

  • MFC có thể giúp các nhà bán TMĐT khác vào các dịp cao điểm cần chia sẻ nguồn lực giao hàng.

Lợi thế của MFC là rất phù hợp với các món hàng kích thước nhỏ, chuẩn như mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, đồ chơi, sách, phụ kiện điện tử, phụ kiện điện thoại, áo quần thời trang, các mặt hàng đặc sản theo mùa.


Một số đơn vị đang cung cấp mô hình MFC trên thị trường: Boxme, Swifthub, Ship60, Logi.click..


Mình có tham gia Podcast chia sẻ về chủ đề này cùng các bạn Swifthub theo link: https://www.youtube.com/watch?v=hy431_iAwQo, mời các Bạn theo dõi.

 

Trân trọng và Yêu thương,

159 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
bottom of page