top of page

5 RỦI RO CHO CÁC HỆ THỐNG SIÊU THỊ KHI TỰ VẬN HÀNH LOGISTICS

Đã cập nhật: 27 thg 12, 2023

5 RỦI RO CHO CÁC HỆ THỐNG SIÊU THỊ KHI TỰ VẬN HÀNH LOGISTICS
Định hướng cải thiện hoạt động logistics 2023 của TGDĐ

LOGISTICS RẤT QUAN TRỌNG VỚI CÁC HỆ THỐNG SIÊU THỊ


Cách đây 1 năm, anh Tài (cho phép em gọi tên cho thân thiện) từng có phát biểu "dậy sóng" khi đưa ra nhận xét về năng lực thực thi dịch vụ Logistics tại Việt Nam và lý giải về sự ra đời của Công ty Logistics TOÀN TÍN với quy mô vốn 100 tỷ (nguồn: https://cafef.vn/the-gioi-di-dong-mwg-lap-cong-ty...).

Cách đây 3 ngày, trong một diễn biến khác, với tình hình kinh doanh ngày một khó khăn hơn, TGDD quyết định sẽ cải tiến hoạt động vận hành kho vận nhưng chưa nói rõ cách thức.

Thực ra, xét về đẳng cấp vận hành kho thì TGDD là tốt hơn nhiều đơn vị bán lẻ khác mà mình từng được tham quan hoạt động kho Trung tâm. Có thể tham khảo thêm về trình độ vận hành kho của TGDD ở link sau: https://www.youtube.com/watch?v=A5YtMOEZm40. Ghi chú: TGDD chưa quay film dây chuyền sorting tự động trong clip này.

Trong bài viết này, mình nói về 5 thách thức chung của mô hình kho Trung tâm mà các đơn vị bán lẻ lớn như TGDD đều đang gặp phải và lý do vì sao nên hợp tác với các đơn vị 3PL trong nước.


5 RỦI RO CHO CÁC HỆ THỐNG SIÊU THỊ KHI TỰ VẬN HÀNH LOGISTICS


1. BIẾN ĐỘNG NHU CẦU

Nhu cầu đặt hàng từ mạng lưới siêu thị biến động liên tục (mùa cao điểm, thấp điểm, có khuyến mãi/không khuyến mãi..), rất khó xác định số lượng nhân sự và phương tiện (xe nâng, pallet, rổ đựng hàng..) cần duy trì.

Hệ quả là, ngày nhiều hàng thì tăng ca --> tăng chi phí, ngày ít hàng thì dư thừa nhân sự --> lãng phí. Dĩ nhiên, có thể biện minh bằng sự đánh đổi trong chuyện ưu tiên phục vụ khách hàng nhưng lãng phí này thì vẫn cứ là lãng phí.

Và khi mà cổ đông soi lợi nhuận, câu chuyện chi phí/lãng phí trong logistics sẽ là cơ hội để Logistics phải làm tốt hơn.


2. MẤT MÁT HÀNG HÓA

Hàng hóa vào ra siêu thị lên đến vài chục ngàn mã hàng, có nhiều mã hàng không hề có chuẩn (ví dụ một bao gồm nhiều áo quần được bó lại, 1 chai dầu gội tặng kèm 1 cái tô và 2 món này giao rời nhau..) và áp lực thời gian cấm tải trong khi các Siêu thị thường ở khu vực giao thông đông đúc, chờ đợi lâu, nên chuyện sai sót/nhầm lẫn hàng hóa giữa Kho/Xe/Siêu thị là thường gặp.

Và quan trọng hơn, chuyện mất mát/hư hỏng hàng hóa là rủi ro rất lớn. Con số này lớn đến mức nào thì chắc chỉ có người vận hành kho mới biết, nhưng khi tự vận hành, thì thường các hệ thống siêu thị lặng lẽ tự ghi nhận vào chi phí hư hỏng/hao hụt. Đó là lý do mà ý "giảm hàng hao hụt" được viết ra rõ ràng như vậy trong thông điệp nói trên.


3. LÃNG PHÍ VẬN TẢI

Phần lớn siêu thị nằm ở khu vực nội thành, di chuyển bằng xe tải nhỏ, vướng khung giờ hạn chế lưu thông, chủ yếu tận dụng lượt quay đầu xe mới hiệu quả, nên phần lớn trống lượt xe chiều về, là một loại lãng phí.

Đội xe riêng của nhà bán lẻ thường kém hiệu quả hơn các đội xe dịch vụ có kinh nghiệm. Mình từng trao đổi với một Hệ thống siêu thị điện máy có đội xe riêng, các đơn hàng đi tỉnh thường chạy về xe trống vì họ không có chức năng kinh doanh vận tải và cũng không muốn đảm nhiệm giải quyết lãng phí này.


4. KHÓ QUẢN LÝ NHÂN SỰ

Công việc logistics nhìn chung nặng về chân tay, nặng nhọc. Khi ở chung trong một Tập đoàn bán lẻ thì thường sẽ bị soi về tỷ lệ lợi nhuận/đầu người. Khi đóng BHXH/BHYT cũng sẽ phải tuân thủ đầy đủ quy định pháp luật.

Tuyển dụng và quản lý đội ngũ này để hòa nhập với Văn hóa của Tập đoàn cũng là thách thức không nhỏ cho Ban tuyển dụng. Và tới định kỳ tăng lương, cùng Tập đoàn, hổng lẽ mặt bằng đang là xx% mà các bạn làm ở kho lại cách quá xa?

Thêm một lý do tế nhị: tiêu cực trong Kho trung tâm - có hay không? Hãy hỏi các bác tài vận tải sẽ biết. Mình từng trực tiếp đi bốc hàng trong kho của hãng Dxx làm cho một NSX lớn nhất thế giới về hóa mỹ phẩm và chứng kiến câu chuyện tiêu cực thực tế vẫn diễn ra: nếu anh muốn hàng hóa không bể vỡ thì phải có bồi dưỡng, ko thì bốc xếp sẽ có "nghệ thuật" để cho anh phải chấp nhận yêu cầu bồi dưỡng, lý do là: lương thấp lắm anh ơi, không có bồi dưỡng sao em sống? Vậy nên, là HR của các Tập đoàn bán lẻ lớn, đi xử lý những ca này thiệt tình cũng khó đỡ.


5. THIẾU ĐỘNG LỰC ĐỂ CẢI TIẾN

Logistics thì không khó làm, nhiều hãng lớn cũng nghĩ tới chuyện này: thay vì chi phí mỗi năm là yy%/doanh thu, mình lập luôn công ty logistics để ghi nhận chi phí này vào doanh thu cho Công ty con của mình.

Câu chuyện Vinmart lập ra Vinlink, hay Hòa Phát có Hòa Phát Logistics.. không có sai, nhưng cũng chỉ lòng vòng cung cấp được cho dịch vụ nội bộ, khó mở rộng ra thành một nhà cung cấp có tên tuổi trên thị trường. Lý do đơn giản: thiếu động lực để cải tiến, không bị áp lực cạnh tranh!

Những rủi ro nói trên, ai làm thì cũng sẽ gánh như nhau, quan trọng là một 3PL chuyên nghiệp sẽ có động lực để giải quyết vấn đề.


Ở VIỆT NAM, AI LÀM ĐƯỢC?

Mình xin điểm danh các đơn vị 3PL Việt Nam đã có kinh nghiệm làm hàng siêu thị để phòng khi anh Tài hỏi thăm "Ai làm được?"

1. U&I Logistics 2. Gemadept Logistics: 3. Vinafco - đã từng vận hành cho Co.op Mart (cho phép mình không kể tên tập khách hàng siêu thị)


Các đơn vị nước ngoài thì có: DB Schenker (phục vụ cho Vinmart), Sagawa (phục vụ cho Vinmart), DHL (phục vụ cho BigC, Metro Cash & Carry). Thách thức cho các đơn vị nước ngoài nằm ở quản trị chi phí, sự linh hoạt và phù hợp văn hóa Việt Nam.


Tóm lại, với những rủi ro nói trên, quyết định nào cũng có hai mặt, quan trọng là ở thời điểm nào chúng ta chấp nhận rủi ro nào mà thôi, chứ tầm vóc lớn như TGDD thì làm gì mà không biết! Còn nếu các anh chị bên TOÀN TÍN ưng nghe ý kiến về giải pháp thì ib mình nhé!

P/s: Mình đang mua cổ phiếu MWG và cũng thành tâm mong Công ty sẽ thành công trên con đường cải tiến hoạt động logistics.


Trân trọng và Yêu thương,

233 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

©2023 by KTBS

bottom of page