top of page

CHIẾN LƯỢC “THU HÚT ONG CHÚA” VÀ ẢNH HƯỞNG ĐẾN LOGISTICS VIỆT NAM

Ảnh: bài chia sẻ của ông Tom Over, Giám đốc Hậu cần và Khu công nghiệp, Công ty JLL khu vực châu Á - Thái Bình Dương


Những chỉ số kinh tế trong 8 tháng đầu năm 2023 không mấy tích cực như kỳ vọng. Nhưng tương lai sắp tới sẽ ra sao? Lạc quan lên vì ít nhất, cơ hội sẽ đến với người sẵn sàng đón nhận, Bạn nhé!


KINH TẾ VIỆT NAM 2023: CƠ HỘI Ở ĐÂU?

Những thông tin phản ánh gam màu tiêu cực – vốn đầy rẫy kể cả khi các chỉ số kinh tế đang tốt, mình xin phép không nêu lại. Dễ thấy nhất là giai đoạn 2021 – 2022, chúng ta suốt ngày lo lắng về Cô Vy và bao hệ lụy liên quan mà không nhận ra đó là 2 năm siêu tuyệt diệu cho ngành Logistics Việt Nam. Quá khứ vàng son đó, có lẽ sẽ còn rất rất lâu mới quay trở lại. Nhưng kể cả khi thế giới hồ hỡi đón tin vui đoạn tuyệt với Cô vy vào tháng 5/2023 vừa qua thì niềm hân hoan đó không lan tỏa rộng rãi mà bị chìm dưới những mối bận tâm về lạm phát, thất nghiệp, giá dầu và những xung đột khu vực. Nhiều người bỗng nhiên bị mất việc làm, cuộc sống nhiều bấp bênh. Vậy tương lai gần sắp tới sẽ ra sao?


Cơ hội vốn dĩ không công bằng, tùy theo thời điểm, một số người/cộng đồng/đất nước đang thuận lợi bỗng nhiên gặp bất lợi và ngược lại. Trong bối cảnh chuyển động kinh tế ở châu Á mình, Việt Nam đang có nhiều thuận lợi so với nhiều nước. Hướng tầm nhìn ra xa hơn, tính từ thời điểm bắt đầu hội nhập kinh tế Thế giới từ năm 1995, sau gần 30 năm, chúng ta đã chứng kiến nhiều thay đổi ngoạn mục trong kinh tế Việt Nam: chỉ số GDP, thu nhập bình quân/người, chất lượng cơ sở hạ tầng, hấp dẫn về nguồn nhân lực.. tăng gấp nhiều lần. Tầm nhìn của các lãnh đạo doanh nghiệp cũng đang thay đổi: từ một nhà kho cho thuê, tiến lên cụm kho cho thuê, đến Khu công nghiệp và mới nhất là tư duy: Khu Thương mại tự do (viết tắt là FTZ) và Trung tâm Logistics tập trung (Logistics Industrial Cluster – viết tắt là LIC).

Trong bài viết này, mình muốn đề cập nhiều về khái niệm “Chiến lược thu hút Ong chúa” của Việt Nam và điều đó ảnh hưởng thế nào đến cục diện dịch vụ logistics. Theo định nghĩa trong từ điển Wikipedia: “Ong chúa là một con ong trưởng thành, đã giao phối sống trong một đàn ong hoặc tổ ong mật, con ong chúa thường là mẹ của hầu hết, nếu không phải tất cả, những con ong trong tổ ong”. Trong thực tế, những “Ong Chúa” mà chúng ta biết đến ở Việt Nam bao gồm: Samsung, LG, Apple (thông qua các nhà sản xuất như Foxxcon, Luxshare và Goertek), Toyota, Honda,.. Cụ thể, tính đến 2023, hãng Samsung đã đầu tư trực tiếp vào Việt Nam 19 tỷ với 6 nhà máy và 1 trung tâm Nghiên cứu & Phát triển. Nhưng ít người để ý, rằng khi Samsung lập nhà máy ở đâu thì xung quanh khu vực đó là hàng trăm nhà máy nhỏ khác sản xuất hoặc cung cấp nguyên vật liệu cho chuỗi giá trị sản phẩm của Samsung. Theo báo cáo của JLL tại diễn đàn “Bất động sản công nghiệp: đón cơ hội từ dòng vốn mới” do Báo Đằu tư tổ chức vào ngày 24/8/2023, trung bình một nhà cung cấp cho Samsung có mức đầu tư vào Việt Nam là 17 triệu USD. Một “Ong Chúa” như Samsung đem lại nhiều giá trị hơn là con số đầu tư trực tiếp. Và dĩ nhiên, Logistics sẽ được hưởng lợi tương ứng.


LOGISTICS VIỆT NAM SẼ RA SAO TRƯỚC LÀN SÓNG MỚI?


Để hiểu về tác động của Logistics trong bối cảnh xu hướng FTZ hay LIC nói trên, chúng ta tham khảo mô hình KCN Thăng Long ở Hà Nội, có quy mô 302ha, thành lập từ 1997 với phần vốn góp chính của Tập đoàn Sumitomo và Công ty cổ phần Cơ khí Đông Anh – LICOGI. KCN Thăng Long gần sân bay Nội Bài, có vị trí giao thông thuận lợi và được các nhà đầu tư Nhật Bản, Singapore đặc biệt yêu thích. Về mặt Logistics, trong KCN Thăng Long chỉ có một đơn vị dịch vụ Logistics duy nhất là Công ty Dragon Logistics, một thành viên cũng của Tập đoàn Sumitomo. Việc “phân công” nhiệm vụ cho Dragon Logistics ngay từ trong quy hoạch giúp các nhà máy không tốn chi phí xây dựng kho bãi lớn cũng như nhân sự cho hoạt động logistics nội bộ. Họ chỉ cần thuê Công ty Dragon cung cấp dịch vụ là xong. Bạn nên biết suất đầu tư cho hoạt động Kho bãi thấp hơn nhiều so với suất đầu tư cho Xưởng sản xuất, chi phí lao động cho khu vực sản xuất cũng cao hơn cho khu vực dịch vụ logistics, nên càng tập trung hóa thì hiệu quả kinh tế sẽ cao hơn nhiều so với việc “nhà nhà có kho, người người mua xe tải” để vận hành logistics cho chính mình. Sẽ có câu hỏi “Như vậy thì là độc quyền rồi, Công ty Dragon sẽ “một mình một chợ” thì sao?”.


Xin thưa, tư bản họ không có khờ đâu, ở đây chỉ là sự phân công lao động hợp lý thôi. Mình cho Bạn một ví dụ khác dễ hiểu hơn: để làm nhà cung cấp dịch vụ Logistics cho các hãng lớn như P&G, Unilever, Pepsico,.. Bạn sẽ phải điền vào một cái form khai báo Cơ cấu chi phí rất rõ ràng: cần bao nhiêu nhân sự, trả lương bao nhiêu, cần những tài sản nào, chi phí khấu hao bao nhiêu, lãi vay bao nhiêu và tỷ suất lợi nhuận bao nhiêu. Coi như là Bạn sẽ phải “naked” toàn bộ trước con mắt tài chính của các Tập đoàn nói trên và mọi con số phải nằm trong “ngưỡng chấp nhận một cách cạnh tranh nhất” thì mới được nói chuyện tiếp. Nên sẽ không có chuyện Dragon Logistics muốn đưa ra giá nào là đưa mà phải trên cơ sở làm tốt hơn từng doanh nghiệp tự làm. Và với sự tin cậy, minh bạch và nỗ lực tiết kiệm chi phí hàng năm (phải giảm chứ không được tăng) thì Dragon Logistics đang đem lại nhiều giá trị, lợi ích cho các nhà đầu tư vào Khu công nghiệp Thăng Long. Đúng nghĩa “win-win”! Và xu hướng “Tập trung hóa” về logistics này chắc chắn sẽ diễn ra để song hành cùng các xu hướng FTZ, LIC nói trên, càng có ý nghĩa hơn trong làn sóng mở rộng đầu tư vào Việt Nam. Nghĩa là sao? Là thay vì Bạn có quá nhiều khách hàng mục tiêu về dịch vụ logistics để theo đuổi, thì với sự dịch chuyển chiến lược của các Ong Chúa nói trên, hãy chọn Chuỗi giá trị Bạn có lợi thế nhất và tìm cách “chiếm lĩnh” nhiều nhất thị phần trong chuỗi giá trị ấy!


Less is More” là vậy đó! Tóm lại, lạc quan lên, Việt Nam mình đang và sẽ tốt hơn mỗi ngày, chí ít trong 10 năm tới trước khi chúng ta bước vào kỷ nguyên dân số già (dự kiến vào năm 2035).


Trân trọng và Yêu thương,




152 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
bottom of page