top of page

CÚ LẬT TỈNH THỨC: CHÚNG TA NÊN LÀM GÌ KHI THẤT NGHIỆP TUỔI 35+?

Sáng nay, mình liên lạc với người bạn cũ mới biết Bạn đang tìm việc. Ở tuổi ngoài 35+, và trong “mùa đông” như hiện nay, tìm một việc làm phù hợp quả thực là gian nan dù trước đây Bạn từng được trả lương trên 100tr. Bạn kể: đã đi phỏng vấn vài chục công ty đến nỗi chả nhớ nỗi tên công ty, nhưng kết quả vẫn là “bặt vô âm tín”. Chúng ta nên làm gì khi thất nghiệp tuổi 35+?


Có một sự thật ngầm định hiện nay với các nhà tuyển dụng: “người lao động trên 35 tuổi thường kỳ vọng được trả lương cao. Kinh nghiệm sống phong phú khiến họ khôn ngoan hơn và vì vậy, họ cũng sẽ có xu hướng không hài lòng với vị trí công việc mới. Ngược lại, những người trẻ tuổi có thể được thuê với mức lương thấp hơn và chuyện kinh nghiệm có thể được bù đắp bằng đào tạo trong vòng vài tháng”. Cho nên, không chỉ ở Việt Nam mà với rất nhiều nước trên thế giới, nhà tuyển dụng có khuynh hướng tuyển chọn người trẻ. Trong bối cảnh kinh tế hiện nay, “tuyển dụng” có lẽ là một từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất còn “sa thải/layoff” là cụm từ được bàn tán nhiều nhất.


THỜI VIỆC LÀM DỄ DÀNG ĐÃ QUA


Trong khi đó, với bối cảnh tính từ thời Cô vy thổi qua tới nay, rất nhiều ngành một thời vàng son đã chứng kiến sự thay đổi, suy giảm đáng kể:

  • Ngành du lịch: bị dìm suốt 2-3 năm qua, nhân sự đã đổi nghề nhiều. Tuy hiện nay, ngành du lịch đang được nhú lên được tí chút nhưng chắc phải vài năm nữa mới quay về với số liệu 2019.

  • Ngành Bất động sản: tính từ sau vụ đấu giá đất ở Thủ Thiêm của bác THM, rồi cô Lan, thị trường domino cả năm nay, môi giới ngồi vêu mỏ.

  • Ngành xây dựng, VLXD và các ngành ăn theo BDS: cùng nhau gồng lỗ mỗi ngày.

  • Ngành ngân hàng: người không biết thì cứ khen làm Ngân hàng ổn định, lương thưởng cao, chui vô làm mới biết là làm gì cũng có “vòng kim cô” soi chiếu, khi khách có thì không có thanh khoản giải ngân, khi ôm cả đống tiền tiết kiệm thì tìm đỏ con mắt không ra khách đủ chuẩn.

  • Ngành sản xuất hàng tiêu dùng: cũng suy giảm theo tỷ lệ mất việc làm của công nhân, suy giảm của du lịch và sự chèn ép lẫn nhau giữa các đối tác trong chuỗi (ví dụ: siêu thị thì ra hàng nhãn riêng cạnh tranh với thương hiệu hàng tiêu dùng, các hãng lớn cũng đua lên toptop bán livestream cho hợp xu hướng – cạnh tranh với điểm bán tạp hóa).

  • Ngành sản xuất gia công xuất khẩu (giày da, may mặc, nội thất): bị rớt đơn hàng trầm trọng nên việc cũng ít đi, máy móc đưa vào nhiều hơn nên cũng ít cần công nhân hơn.

  • Ngành logistics: được ca ngợi về tiềm năng và tốc độ phát triển nhưng sau đợt “sóng thần” giá cước vận tải biển mà lợi nhuận chỉ chảy về một số ít công ty lớn có tài sản, mặt bằng logistics nhanh chóng về lại mức 2019 trong khi mức cung lại có khi được nhân đôi, nên tình trạng thừa cung đang báo hiệu một sự thay đổi lớn trong ngành trong thời gian tới.

  • Ngành thương mại điện tử cũng đang có nhiều dấu hiệu hụt hơi sau quảng thời gian “tăng trưởng điên cuồng”: cách đây khoảng 1 năm, tin tức Shopee layoff nhân sự hàng loạt có thể lạ lẫm nhưng sau đó các “tay chơi lớn” lần lượt tiếp bước: Tiki, Lazada.

Tin tức layoff sẽ còn lan rộng và nhiều thương hiệu lớn sẽ buộc phải ghi tên mình vào danh sách “tái cơ cấu”. Đó là thực tế mà chẳng ai muốn nhưng nếu không “cầm máu” kịp thời, sẽ có nhiều doanh nghiệp sẽ phải đóng cửa/dừng cuộc chơi. Nên nhớ, “còn sống mới có người cứu chứ chết rồi thì ai cứu được”?

CHUYỆN “HÃY GIẾT CON BÒ QUÝ GIÁ”

Có lẽ câu chuyện quản trị kinh điển này nhiều người đã biết:

Chuyện kể rằng có hai thầy trò ghé thăm một gia đình sống dưới mức nghèo khổ trong một túp lều tồi tàn. Cuộc sống của gia đình 8 người này được duy trì nhờ một con bò sữa. Đó là tài sản vô cùng quý báu của gia đình họ so với dân làng chung quanh. Trước khi bỏ đi, người thầy đã đâm chết con bò, trong sự sợ hãi và lo lắng của người học trò.

Một năm sau, hai thầy trò quay lại chứng kiến một gia đình sống sung túc dưới một căn nhà đàng hoàng. Thì ra không có con bò để vắt sữa, gia đình họ phải phát hoang đất trồng lương thực; ban đầu chỉ là để khỏi chết đói, sau đó thì họ có nhiều lương thực để bán ra chợ và từ đó họ trở nên sung túc.

Bài học từ người thầy: “Con bò mà họ yêu quý như báu vật chính là sợi dây xích trói buộc cuộc đời họ với đói nghèo khổ cực. Chỉ khi mất đi sự an toàn giả tạo đó thì họ mới nhìn sang hướng mới”.

Người thầy nâng tầm ý nghĩa câu chuyện: “Nếu con có một công việc - dù con không thích - giúp con trả được nợ, sống sót và cũng tận hưởng được một vài tiện nghi nho nhỏ, thì con dễ dàng rơi vào cái bẫy hài lòng với suy nghĩ rằng ít nhất thì mình cũng có được một cái gì đó. Cuối cùng con biện minh rằng khối người muốn được như vậy mà có được đâu”. Nghe xong lời dạy, người học trò, tìm 'giết' con bò của mình, để bắt đầu một cuộc sống không có bò"

Con bò trong câu chuyện là hình ảnh ẩn dụ tượng trưng cho vùng an toàn của Bạn. Nếu Bạn quá gắn bó mà không chịu bước ra khỏi nơi trú ngụ của mình, cơ hội dành cho bạn sẽ ít dần đi, hay một điều gì đó sẽ xảy đến và lấy đi mất cơ hội của bạn. Số mệnh, hay bất cứ cái gì đang điều khiển mọi thứ, không cho phép chúng ta được quá tự mãn với bản thân và nó sẽ đá cho chúng ta một cú thật đau để thức tỉnh chúng ta. Nếu đôi khi chúng ta biết mở rộng những cái kén bao bọc mình thì cú đá đó sẽ không thể ảnh hưởng nhiều đến chúng ta - chúng ta luôn sẵn sàng với nó - chúng ta sẽ đối phó với nó dễ dàng hơn. Mở rộng phạm vi an toàn sẽ khiến bạn cảm thấy hài lòng về bản thân. Nó khiến bạn trở nên tự tin hơn để tìm kiếm hạnh phúc và thành công trong cuộc sống.

Cuộc sống của nhiều người hiện nay cũng vậy, chúng ta có chung niềm tin về chuyện làm việc chăm chỉ trong một doanh nghiệp tới cuối cuộc đời là một cuộc sống hạnh phúc viên mãn, là đích đến của cuộc đời. Điều này đã từng đúng, ví dụ các công ty Nhật thời thập niên 60-90 hay các tập đoàn Mỹ như P&G, Colgate.. có sự phát triển mạnh đủ để khai thác năng lực của cả đời một nhân viên. Tuy nhiên, trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, những triết lý về “làm việc trọn đời” trước đây đã không còn phù hợp nữa. Một kỹ sư phần mềm đổi việc mỗi năm nhưng kỳ thực là đã làm qua 2-3 dự án khác nhau và đi đủ hết vòng đời của sản phẩm. Một “thánh sales” có thể làm qua cả chục công ty vì luôn được săn đón, chào mời. Chính sự cạnh tranh liên tục đã tạo ra guồng quay bất tận cho chúng ta phải nỗ lực mỗi ngày, trước khi bị đối thủ “bóp còi qua mặt”. Bạn có sẵn sàng đón nhận tin tức thất nghiệp ở độ tuổi 35+?

CHÚNG TA LÀM GÌ KHI THẤT NGHIỆP TUỔI 35+?

Phóng chiếu lại câu chuyện về con bò nói trên, chuyện thất nghiệp cũng không có gì quá to tát nếu chúng ta có nhận thức đúng, bình tĩnh chấp nhận và tìm hướng đi mới, đúng không nè? Mình có duyên tham dự buổi tọa đàm Expert Talk và được nghen những chia sẻ tâm huyết của anh Lê Bá Thông, anh Phạm Duy Hiếu với chủ đề “Cú lật tỉnh thức”.


CÚ LẬT TỈNH THỨC: CHÚNG TA NÊN LÀM GÌ KHI THẤT NGHIỆP TUỔI 35+?
CÚ LẬT TỈNH THỨC: CHÚNG TA NÊN LÀM GÌ KHI THẤT NGHIỆP TUỔI 35+?

Những insights từ buổi chia sẻ đã gợi ra nhiều hướng đi, cho mình rất nhiều chọn lựa và khi đó, mình mong ước có thật nhiều người đang trong tình trạng thất nghiệp như mình có thể được lắng nghe những ý kiến sâu sắc của các Anh chuyên gia.

Điều mình chọn để chia sẻ lại là công thức đơn giản với 3 chữ cái để gỡ bỏ nỗi lòng của các Bạn: NGHE CHUÔNG BOONG!

  • NGHE = NHẬN BIẾT: nhìn thực tại bằng con mắt khách quan, tách sự việc và cảm xúc ra. Điều gì đang diễn ra? Đừng bóp méo sự thật, đừng để cảm xúc, định kiến áp đặt lên câu chuyện của Bạn. Ví dụ: công ty cần giảm 10% nhân sự để sinh tồn. Trong danh sách layoff có tên Bạn và xxx người khác. Đó là sự thật. Đừng gán ghép chuyện Sếp Bạn ghét bạn, hay đồng nghiệp có năng lực yếu hơn Bạn nhưng lại được giữ lại. Sự thật là sự thật.

  • CHUÔNG = CHẤP NHẬN: với thực tại nói trên, chấp nhận chính là ánh sáng đầu tiên của sự chuyển hóa. Phần lớn chúng ta khi có tên trong danh sách Layoff sẽ có phản ứng KHÔNG CHẤP NHẬN: Tôi là người đóng góp nhiều cho công ty liên tục nhiều năm, ai lại đối xử với “công thần” như vậy? Tôi giỏi hơn mấy bạn được ở lại mà sao công ty “có mắt như mù” vậy nhỉ? Tôi đào tạo ra những bạn trẻ quản lý mà sao cho Tôi nghỉ việc? Vâng, những dằn vặt đó sẽ dằn xé chúng ta, không cho chúng ta “ăn ngon, ngủ yên” và phần lớn sẽ nghĩ rằng: “Công ty sẽ suy nghĩ lại.. đây chỉ là sự nhầm lẫn.. rồi công ty sẽ hủy quyết định thôi.. đây là ác mộng thôi, tỉnh lại là hết ấy mà..”.

  • BOONG = BUÔNG BỎ: Bạn có sẵn lòng Buông bỏ để nhẹ lòng đi chưa? Với người mới bị mất việc, họ sợ lắm: tiền đâu nuôi con, trả tiền nhà và đống hóa đơn hàng tháng, tiền đâu chu cấp cho Cha Mẹ? Ít người sẵn lòng chọn sự buông bỏ: Không học trường quốc tế chất lượng cao thì về trường công gần nhà 2 triệu/tháng? Không đủ tiền ở nhà 15 triệu/tháng thì chịu khó dọn về nhà nhỏ hơn 3-4 triệu/tháng? Không đủ tiền thì Bố Mẹ cũng còn lương hưu, còn nhà cửa, chẳng vướng bận gì đâu? Cái tôi to lớn, hoành tráng trước đây vốn dĩ lo đủ cho nhiều người, giờ co lại để sinh tồn, liệu Bạn có thể chịu hạ mình xuống, buông bỏ cái tôi đó không? Bạn có đủ mạnh dạn nói với người thân “Tôi đang thất nghiệp, có ai có thể dùng năng lực của tôi ra tiền hợp lý, hợp pháp không?”. Khi Bạn buông bỏ được cái Tôi trước đây rồi, mình tin Bạn sẽ thấy được sự an nhiên, cảm được sự Vô thường của cuộc đời để vui vẻ trở lại: hết đêm rồi đến ngày, sau cơn mưa trời lại sáng, rồi mọi chuyện lại sẽ ổn thôi!

Bạn biết mình giải thích dài dòng cái công thức trên để làm gì không? Nút thắt ở đây không phải là mình giới thiệu cho Bạn một công việc hay mời Bạn hợp tác làm ăn. Nút thắt ở đây là Bạn nhận thức đúng, chấp nhận sự thật và Buông bỏ cái cũ và tạo ra cái mới mạnh mẽ hơn, giống chuyện Con bò í. Khi Bạn đồng thuận về công thức đó, mình tin rằng Bạn sẽ tự tạo ra cơ hội cho chính mình. Nên nhớ, khủng hoảng có tính chu kỳ, hết Cô Vy rồi sẽ lại có một Cô Vỹ khác đến với chúng ta, điều quan trọng là sau mỗi đợt khủng hoảng lại có những người giàu có, mạnh mẽ hơn, tùy thuộc Bạn muốn ghi tên mình vào danh sách Nạn nhân hay Người được gắn huân chương.

Cá nhân mình cũng đang nằm trong danh sách Thất nghiệp đây Bạn ơi, và mình từng trải qua hơn 20 công ty khác nhau, và mình không hề phàn nàn gì chuyện đó. Mình tâm niệm như vầy: “Trong công ty, ông chủ lớn nhất chính là KHÁCH HÀNG. Khi ông chủ hài lòng, chúng ta sẽ có lương/thù lao/thu nhập tương xứng với kết quả chúng ta tạo ra”. Nên mình không hề buồn chán trong những ngày thất nghiệp này đâu, dù cũng có những đợt thất nghiệp trước đây mình từng trầm cảm, chìm trong đau khổ. Mình may mắn đón nhận kỳ thất nghiệp này với tâm thế bình an, hạnh phúc. Mình tin rằng khi mình còn tích cực, mình sẽ nghĩ ra được điều gì đó có giá trị, giải quyết được một nỗi đau nào đó và khi đó, khách hàng sẽ trả tiền cho mình!


Xin gửi lời tri ân đến anh Lê Bá Thông, anh Phạm Duy Hiếu, công ty i.Value, tổ chức SVF, chương trình Giá trị cuộc sống và hệ sinh thái có liên quan đã cho mình cơ hội cảm nhận được giá trị, ý nghĩa của “Cú lật tỉnh thức”. Mong sự yêu thương, năng lượng tích cực sẽ luôn ở bên Bạn!

"May the Force be with you"!


Trân trọng và Yêu thương,


242 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
bottom of page