Ông bà mình hay nói "phép vua thua lệ làng". Ở đây, mình xin nhắc thôi:
"Luật lệ" là những nguyên tắc chung mà ai cũng phải tuân thủ, trong môi trường giao thương quốc tế ngày nay, Luật lệ còn là những tiêu chuẩn mà chúng ta sớm muộn gì cũng phải "sống chung.
"Thông lệ" là quy tắc, cách thức làm trên thực tế, có khi rất khác Luật lệ nhưng ở trong bối cảnh đó, môi trường đó, với một nhóm cụ thể đó thì Thông lệ đó vẫn tồn tại. Ví dụ, Luật lệ sẽ cấm chuyện biếu xén, quà cáp "trên mức tình cảm" nhưng Thông lệ thì ai cũng làm vậy cả để cho nó "phù hợp với cách sống ở đây".
Đó là chuyện của ngày xưa, thời khoảng cách địa lý và khoảng cách phổ cập thông tin làm hạn chế năng lực tiếp thu. Còn trong xã hội thông tin "phẳng" ngày nay (thời của CCCD gắn Chip, nhận diện gương mặt, báo cáo vị trí qua hộp đen..) thì sao? Có một Sự chuyển dịch "không hề nhẹ" trong khoảng 10 năm qua với làng Logistics. Chúng ta thử "Ôn cố tri tân" xem có rút ra được gì cho năm mới không nha!
Năm 2013-2014, nguyên Bộ trưởng Đinh La Thăng đã góp phần giải quyết triệt để "thông lệ" xe chở quá tải gây hại cho chất lượng đường sá. Từ sau giai đoạn đó, thói quen chở quá tải trước đó đã biến mất, trả lại sự ổn định và tuân thủ tải trọng vận tải. Cũng nhờ đó, chất lượng đường bộ đã được giữ ổn định từ đó tới nay.
Năm 2016, sau một vài vụ tàu chở container gặp tai nạn do thông tin tải trọng sai lệch, IMO (Tổ chức Hàng hải Quốc tế) đã ban hành công ước Solas để yêu cầu phải có xác thực tải trọng vận tải (VGM). "Thông lệ" không quan tâm thông tin chuẩn chỉnh này đã chuyển dịch qua hướng phải làm đúng.
Câu chuyện của nhà xe Thành Bưởi là một ví dụ điển hình của Thông lệ "tự do" trước đây sẽ dịch chuyển theo hướng đi đúng luật lệ. Nói chuyện với bác Tài chạy xe tuyến cố định, Bác nói về chuyện hệ thống theo dõi rất kỹ và các sai sót nếu không bị Camera ghi nhận thì dữ liệu GPS cũng phải truyền về Data Center của Bộ GTVT, có phần mềm quét và phát hiện, nên Bác tập trung chạy đúng luật, không cố chạy thật nhanh như thông lệ trước đây.
Các chợ truyền thống từng một thời đông đúc, nhộn nhịp, tất bật, nay bật mode vắng vẻ, đìu hiu. Vì sao? Khách giờ thích đặt hàng online, thích mã giảm giá, thích flash sales, thích đủ thứ và quan trọng nhất là thời điểm mua được món hàng giá rẻ nhất có thể. Siêu thị, cửa hàng tiện lợi tăng trưởng gấp 3 lần trong 5 năm vừa qua còn Thị trường bán hàng online tăng trưởng liên tục với quá nhiều hình thức đa dạng mà ai cũng có thể rành rẻ chuyện Ship cốt (COD). Thông lệ ngày xưa đang nhường chỗ cho một Thông lệ mới.
Nhiều Anh Chị vẫn nhìn câu chuyện xe tải điện là thứ phù phiếm, chi phí cao, kém thực tế. Rất nhiều rào cản được đặt ra, từ kỹ thuật đến nhân sự hay luật lệ. Hay chuyện khu Phi thuế quan, khu thông quan hàng TMDT: "còn lâu mới tới". Chúng ta ít nhìn những thứ mới mẻ này như cơ hội bởi nhiều người vẫn đang rất thoải mái trong "vùng an toàn". Nhưng sớm muộn gì, những xu hướng này cũng sẽ được chuyển hóa thành "Luật lệ" mới mà thôi.
Có nhiều Anh Chị đã từng rất thành công trong quá khứ nhưng là trong điều kiện Thông lệ cũ, còn với những biến chuyển của môi trường ngày nay, ắt sẽ phải suy nghĩ khác đi, tìm lối đi mới hơn. Một Anh bạn lâu năm kinh nghiệm cho hay, trong 2-3 năm qua, điều thành công nhất của Anh chính là "không làm gì cả", lặng lẽ cầm tiền và quan sát thị trường. Một cậu em tự hào với đội xe dịch vụ luôn tất bật, hỏi vì sao không tiếp cận các nhóm khách hàng mới, bạn bảo "Tụi em quen cách làm truyền thống - tiền trao cháo múc rồi - không quen các kiểu làm ăn khác". Thói quen đôi khi chính là kẻ thù giới hạn tầm nhìn của chúng ta, chặn đầu các cơ hội mới.
Những khoảng lặng mùa cuối năm, ngắm dữ liệu, đọc báo cáo, vẽ lại câu chuyện đang diễn ra là điều cần thiết để phóng chiếu về tương lai phía trước, để tìm lối đi riêng. Ai rồi cũng phải vận động để sinh tồn, "Cùng tắt biến, Biến tắt thông"!.
Trân trọng và Yêu thương, #khiemtranbuoisang
Commentaires