top of page

NẮM TAY NHAU MÀ ĐI RA ASEAN!

Sáng nay, 06/10/2023, một sự kiện networking được hình thành từ ý tưởng tới thực thi chỉ có 10 ngày. Tầm gần 50-60 khách tham dự, toàn là dân Sales SaaS (SaaS = Software as a Service, nghĩa là phần mềm cho thuê). Năng lượng nhiệt tình của các Bạn tham dự làm bất ngờ BTC vốn chỉ dự kiến 20 khách, và kéo dài từ café sáng qua ăn trưa. Điều gì đang diễn ra? Bạn có sẵn sàng bắt tay "cựu thù" để cùng các đơn vị “Make-in-Vietnam” nắm tay nhau mà đi ra ASEAN không? Và đây là câu chuyện mình muốn chia sẻ cùng các Doanh chủ SaaS Việt Nam mình.


Có lẽ, rất dễ ví von hình ảnh tính hợp tác của người Việt Nam khi kể câu chuyện con Cua Việt Nam và con Cua Nhật Bản: cua Việt Nam thì không cần đậy nắp vì con nào ngoi lên là con khác rị xuống. Thế nhưng, có lẽ lời nguyền “ám ảnh” này chỉ đúng với thế hệ người Việt tiểu nông, bằng chứng là người Việt Nam ở các môi trường khác cũng có tính kết nối, hợp tác, cũng làm nên chuyện. Ai chưa tin thử đọc “Đông Âu Anh Hùng truyện” nè. Giờ mình dắt Bạn đi qua một vài câu chuyện làm quen nha.


NẮM TAY NHAU MÀ ĐI RA ASEAN!
Những doanh nhân Việt Nam thành công có sự hợp tác

CHUYỆN NGƯỜI BÁN NẾN VÀ XÀ BÔNG

Ngày xửa ngày xưa, có hai anh em cột chèo: ông anh bán nến còn ông em bán xà bông. Nhạc phụ đại nhân xúi hai anh em làm công ty chung đặng hỗ trợ lẫn nhau. Thời đó, dân chỉ có tắm bằng xà bông cục ngoài sông/suối, không có nhà tắm như mình bây chừ. Khi đó, xà bông chưa có công nghệ nổi, mỗi lần tắm là trơn tuột, dễ mất nên bất tiện. Ông bán nến thấy vậy bèn cùng ông em ghép nến với xà bông, làm ra cục xà bông nổi được trên mặt nước, đặt tên là Ivory. Phát minh thú vị này làm cho công ty làm ăn rất phát đạt, trở thành nhà cung cấp cho quân đội Mỹ trong các kỳ chiến tranh, và khi hòa bình lập lại, thương hiệu của công ty được lan tỏa khắp đất nước.


NẮM TAY NHAU MÀ ĐI RA ASEAN!
Cục xà bông Ivory huyền thoại nào nên danh tiếng nhà P&G

Ông Anh đó tên là William Procter còn ông em cọc chèo tên là James Gamble, và công ty huyền thoại nói trên có tên tiếng Anh rạng danh trên toàn thế giới mà ai cũng biết là Procter & Gamble, viết tắt là P&G. Ở đây mình muốn nói về chuyện vì sao họ thành công: sinh ra đúng thời điểm, cộng tác cùng nhau bền vững, nỗ lực tìm tòi sản phẩm mới để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng. Triết lý quản trị, Văn hóa công ty đã là nền tảng để Tập đoàn P&G lớn mạnh đến ngày nay.


CHUYỆN NHÀ SEO PHỌT

Sang câu chuyện thứ hai, vô cùng kinh điển với dân bán SaaS: chuyện nhà Seo Phọt (tiếng Anh là Salesforce). Salesforce vốn dĩ là một doanh nghiệp phần mềm do Marc Benioff, cùng với Parker Harris, Dave Moellenhoff, và Frank Dominguez sáng lập vào năm 1999. Hai nhà đầu tư sớm cho Salesforce chính là Larry Ellison (đồng sáng lập và CEO của Oracle) và Halsey Minor (sáng lập của CNET).


Công ty tập trung cung cấp giải pháp quản lý quan hệ khách hàng (Customer Relationship Management – viết tắt là CRM) trên nền tảng điện toán đám mây (cloud-based computing). Từ mốc doanh số 5 triệu usd vào năm 2001, đến 2016 doanh số của Salesforce là 8.67 tỷ usd và đến tháng 8/2022, công bố kết quả doanh số năm tài chính 2022 của Salesforce là 26,49 tỷ usd, chính thức vượt qua SAP để trở thành doanh nghiệp phần mềm doanh nghiệp lớn nhất thế giới.

NẮM TAY NHAU MÀ ĐI RA ASEAN!
Hành trình từ công ty phần mềm 5 triệu usd vươn lên tỷ đô

Chúng ta ngưỡng mộ thành công vang dội của Salesforce nhưng ít người biết rằng Salesforce cũng đã chi ra hàng chục tỷ usd để mua các Công ty phần mềm khác (ví dụ Demandware, Quip, Tableau, Slack,..) để củng cố hệ sinh thái ứng dụng cho doanh nghiệp và loại trừ đối thủ cạnh tranh tiềm tàng.


Cách thức phát triển của Salesforce cũng như các tập đoàn công nghệ khác: khi đã củng cố được vị thế thì không ngừng mở rộng hệ sinh thái, thâu tóm các doanh nghiệp có thể cộng hưởng được giá trị. Ở đây cũng có chữ như câu chuyện trên, nhưng là chữ & trong M&A (mua bán sát nhập doanh nghiệp), dù sao cũng tốt vì cũng làm cho các doanh nghiệp bớt đi tính cạnh tranh không cần thiết.


CHUYỆN CHỮ VÀ TRONG LÀNG SAAS VIỆT NAM

Làng SaaS nhà mình thì phải quay lại lịch sử một tí. Nếu chúng ta từng đọc chuyện “Long mạch” của Shark Nguyễn Hòa Bình thì sẽ hình dung được giai đoạn 2005 trở đi, dân tình chúng ta làm giàu khá ổn trong lĩnh vực gia công phần mềm. Các bạn học CNTT, xong bắt đầu mày mò từ làm những thứ cơ bản nhất như website, rồi đến sàn TMĐT như Chợ Điện Tử, Vật giá, sàn rao vặt 5s, Trí tuệ Việt Nam forum.. giai đoạn 2004-2010.


Sau đó, các món này lần lượt được phổ thông hóa bằng Word Press, Joomla, trong thiết kế thì Canva ra đời, chuyện lập trình phức tạp thì đã có các nền tảng low-code thay thế, đến thứ thời thượng như Python nay đã được dạy cho học sinh cấp 2.


Điều đó chỉ diễn ra trong vỏn vẹn 15 năm qua, nhanh đến mức nhiều người chưa ngồi nóng đít là đã có công nghệ khác thay thế. Cộng với các đứt gãy về công nghệ trên thế giới: sự phổ biến của Smartphone, định luật Moore vẫn còn giữ nguyên giá trị, tốc độ giảm giá về chi phí lưu trữ, băng thông rộng lên tới 5G-6G, các làng mạc xa xôi nay đã có Starlink.


Chi phí lập trình giảm mạnh – giờ có khi chỉ còn 8-10$/giờ cho developer (nên nhớ đơn giá của các bạn làm SAP ABAP là tầm 20-30 usd/giờ và bị làm tròn theo man-day nha).. IoT hay Robotics hay in 3D, AR/VR không còn là thứ thần bí trong sách/báo mà dân Việt Nam mình hoàn toàn vận dụng linh hoạt các công nghệ này. Bản thân mình không có background IoT nhưng qua nói chuyện với các chuyên gia có thể lên sân khấu pitching bằng tiếng Anh về giải pháp IoT là bình thường.


NẮM TAY NHAU MÀ ĐI RA ASEAN!
Danh sách các đơn vị tham dự buổi kết nối đầu tiên ngày 06/10/2023

Quay lại làng SaaS Việt Nam, phải thấy trào lưu này đã nở rộ trong vòng 5 năm vừa qua. Hẵn mọi người vẫn còn nhớ cái tên Smartlog hồi đợt Sharktank năm 2018, sau đó là Abivin, rồi cả trăm cái tên khác ra đời. Hồi đó nghĩ ông Haravan làm được cái giải pháp “Giấc mơ Sữa Việt” cho Vinamilk là ngon, giờ cả chục ông làm được như Haravan nè.


Hồi đó nghĩ là chỉ có Smartlog làm được SaaS về WMS, TMS, giờ cũng có nhiều ông lắm nha. Tương tự cho các bác làm về CDP (Customer Data Platform), về CRM (Customer Relatioinship Management) hay Smart Home, Smart Lighting, thậm chí là các công nghệ có phần phức tạp như Block chain, Web3, AI, 3D design.. thì cũng nhiều ông làm được. Có thể nói, năng lực công nghệ đã phẳng đi rất nhiều.


Chỉ có điều, các bạn làm Tech Founders thường nghĩ rằng mình chính là cái ông Salesforce hồi 2001, chỉ có một mình mình làm được, nên hễ động đến nhà đầu tư là sợ bị thâu tóm, hễ động đến đối tác là sợ bị lợi dụng hoặc bị lèo lái hướng đi, hễ nhân viên nghỉ việc là lại nghi ngờ nó ăn cắp code, chỉ muốn một mình một chợ thôi. Cái tôi của dân lập trình nó to như cột đình các bác ạ!


Sự thật là, một sản phẩm phần mềm chỉ là một bộ code bắt nguồn từ quy trình vận hành chuẩn, sau đó được “code hóa” thành ứng dụng, và người dùng sử dụng thông tin từ phần mềm để phục vụ công việc tốt hơn. Phần mềm không phải là thứ gì đó phải thần thánh hóa, chỉ là một công cụ phục vụ cho 2 mục đích chính: “automation” (tự động hóa một số tác vụ lặp đi lặp lại) và “information” (tổng hợp thông tin cần thiết cho đúng người – đúng việc – đúng lúc..).


Ông Developer (lập trình phần mềm) phải được ông BA (Business Analysis – phân tích nghiệp vụ mô tả, hướng dẫn rồi mới có thể viết các dòng lệnh cho máy tính hiểu và thực thi. Còn lại thì, mình tin đã đến lúc chúng ta nói về chuyện bắt tay nhau đi ra khu vực ASEAN!


NẮM TAY NHAU MÀ ĐI RA ASEAN

Hồi 2019, mình được đối tác bên Mã Lai mời qua để chào giải pháp TMS cho một nhà máy Nhật có tên tuổi tên là Shimano (bạn nào đạp xe đạp hay câu cá là quen với thương hiệu này). Qua rồi mới biết bên Mã Lai mức độ công nghệ hơi bị yếu, chủ yếu họ dùng windows apps, phần mềm là phải có bản quyền (họ rất kỵ chuyện làm sai luật – bao gồm luật bản quyền), các nhà máy lớn mà dùng công nghệ phần mềm cũ rích là bình thường (cái máy chiếu dùng chung còn xài win xp, internet thì yếu xìu).


Indonesia, Philippines cũng có câu chuyện tương tự về năng lực công nghệ. Thái Lan thì đâu đó hiện đại ở khu Bangkok và lân cận nhưng các vùng xa xa một tí thì mặt bằng công nghệ còn yếu lắm. Các nước còn lại như Myanmar, Cambodia, Lao, Đông Timor.. thì còn vô vàn cơ hội về chuyển đổi số có thể làm được mà chúng ta chỉ mất 2-3 giờ bay để tiếp cận được thị trường.


NẮM TAY NHAU MÀ ĐI RA ASEAN!
Lực lượng trẻ và máu chiến có khả năng đưa sản phẩm make-in-Vietnam ra Asean

Như mình có chia sẻ thông tin trong bài viết về cơ hội trong ASEAN, trong các lợi thế cạnh tranh ở khu vực ASEAN, người Việt Nam mình có lợi thế cạnh tranh về mặt công nghệ:

  • Có nhiều Start up nổi bật được cộng đồng Quỹ đầu tư mạo hiểm (VC) đánh giá cao, giành được nhiều thắng lợi trong sân chơi khu vực trong những năm qua như Abivin, VIoT, Sky Mavis, Trusting Social, Amanotes,..

  • Chẳng phải ngẫu nhiên mà liên tiếp nhiều ông lớn như Samsung, Intel, LG, Huyndai, Panasonic.. đặt R&D Center ở Việt Nam.

  • Kinh tế số Việt Nam tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á (tháng 10/2022 – từ nghiên cứu của Google, Temasek and Bain & Company)

  • Các doanh nghiệp Việt Nam được đánh giá cao về việc tiếp cận và số hóa trải nghiệm khách hàng – ở mức 68%, cao hơn trung bình trong 10 thị trường được khảo sát 4%, xếp thứ hai (theo nghiên cứu công bố tháng 5/2023 của DBS Group).

Sáng nay, bạn đại điện bên Antsomi của tiến sỹ Đinh Lê Đạt và Serm Teck Choon cho biết công ty đã có văn phòng ở Thái Lan, Indonesia và Việt Nam, tăng trưởng theo nhu cầu của khách hàng. Abivin cũng đã có khách hàng ở Philippines, Myanmar, - vốn là các nhà phân phối của P&G thấy thành công của các Nhà phân phối ở thị trường Việt Nam nên xin .. xài luôn giải pháp vRoute của Abivin..


Smartlog cũng có bước tiến ra thị trường ASEAN khi hợp tác cùng Deliveree (tháng 11 năm 2021), Eupfin (tháng 6 năm 2023).. Nếu mọi chuyện trót lọt ngon lành cành đào, năm 2024 TKS (Tiên Khanh Solutions) cũng sẽ có khách hàng ở khu vực Đông Nam Á trong bối cảnh tập đoàn nước ngoài yêu cầu dùng chung giải pháp quản trị kho giữa các thị trường.


Và còn nhiều Start up khác nữa đang âm thầm..đi làm riêng thị trường Đông Nam Á, chỉ la lên khi “gạo đã nấu thành cơm”.


Cách đây 10 ngày, anh Lâm Netalink và một số anh em tình cờ bàn với nhau kết nối cộng đồng Sales SaaS để kết nối, làm quen, coi thử có hỗ trợ được gì cho nhau hay không. Chỉ là những chia sẻ nhẹ nhàng trên facebook mà mức độ hưởng ứng ghê quá, gần 50 cái logo, chắc là trong “mùa đông internet” anh em rảnh quá chăng?


Và câu chuyện kết nối đó bắt đầu từ hôm nay với những cái bắt tay, những người từng là đối thủ của nhau đã có thể trao nhau nụ cười, những người “lên bờ xuống ruộng” trong nghề SaaS gặp kẻ “đồng bệnh tương lân”.. Vui phết! Miễn là những cái đầu thông minh như dân làng SaaS chịu ngồi lại với nhau, hỗ trợ chéo cho nhau, mình tin rằng cộng đồng này không thua kém các đội Tech nước ngoài đang mân mê thị trường Việt Nam mình.


Chúc duyên lành này sẽ khởi đầu cho nhiều mối quan hệ tốt đẹp sau này, anh em thay vì đối đầu nhau thì hãy học cách người Hoa đi ra thế giới, dìu dắt nhau mà đi, kết thành cái bè rộng lớn thì đối thủ bự hơn khó mà “bẻ gãy như bẻ từng chiếc đũa”. Tụi mình cũng sẽ rất cần những đại ca đi trước dìu dắt, nâng đỡ nhưng sẽ không phải là cách trước đây thời cùng nhau đi bán sức gia công phần mềm: đây là thời tụi em có sản phẩm rồi và đi bán bằng sản phẩm SaaS cơ!


Mong lắm những cánh tay đồng hành, mong lắm sự chung sức chung lòng vì mấy chữ “Make in Vietnam, toward ASEAN”!


Trân trọng và Yêu thương,


219 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
bottom of page