top of page

NGÂN HÀNG THÊM KHÁCH, NHÀ KHO THÊM VUI

Mùa này mà nói chuyện thêm là thấy vui rồi, khi mà chứng khoán tụt hơn 200 điểm và ngân hàng thừa tiền nhưng thiếu chỗ giải ngân. Là người từng làm ngành ngân hàng, mình thừa hiểu tư duy của người làm ngân hàng: rất bảo thủ! Thành ra, để dân ngân hàng chịu lắng nghe và triển khai cơ hội kinh doanh mới, cần có những người có độ ảnh hưởng cao hơn chia sẻ. Vẫn có cách để "NGÂN HÀNG THÊM KHÁCH, NHÀ KHO THÊM VUI"!

Xin cảm ơn IFC, VLA và Văn phòng hợp tác Thụy Sỹ tại Việt Nam đã tổ chức hội thảo “Quản lý tài sản bảo đảm: dịch vụ mới trong ngành logistics” vào ngày 02/11/2023. Hy vọng những chia sẻ sau đây sẽ góp phần lan tỏa cơ hội mới này, thúc đẩy giữa hai ngành.


"CHÚNG TÔI CÓ RỒI.."

Khi mình giới thiệu dịch vụ quản lý tài sản bảo đảm của công ty Logistics, đa phần bạn bè bên Ngân hàng đều phản hồi “Chúng tôi có rồi..”. Ngân hàng nào cũng có riêng công ty quản lý tài sản (tiếng Anh: Asset Management Company – viết tắt AMC). Và đa phần tài sản là Bất động sản, vốn dĩ rất đơn giản trong quản lý. Còn hàng hóa/động sản, cũng có, chủ yếu là hàng hóa mà khách hàng vay bị mất khả năng trả nợ, ngân hàng phải thu lại để bù đắp khoản vay, là không nhiều. Và Bạn có biết hàng hóa trong kho của ngân hàng được quản lý ra sao không?

Ở góc độ logistics, năng lực nghiệp vụ quản lý hàng hóa hữu hình của Ngân hàng thì chỉ tương đương nghiệp vụ Kho cấp độ 1 của các công ty Logistics thời cách đây 15-20 năm:

  • Quản lý bằng giấy tờ sổ sách giản đơn, chưa có phần mềm.

  • Hàng hóa chất xếp không theo quy tắc chuyên nghiệp, trong kho chủ yếu là xe kéo tay, hiếm khi có xe nâng.

  • Tình trạng bảo quản hàng hóa đơn sơ, hàng hóa thường bụi bặm, hiếm khi có dịch vụ hun trùn, bẫy chuột, quét dọn vệ sinh.

  • Nhà kho thường là khung nhà xưởng cơ bản, tường gạch mái tole, nền yếu, không có lắp đặt kệ hàng.

  • Nhân sự làm việc ở bộ phận này chủ yếu được tin tưởng, không có chuyên môn sâu về logistics, đôi khi là nhân viên kiêm nhiệm: khi nào cần thì xuống kho, còn giữ cửa thì có công ty bảo vệ canh. Cho nên, họ sẽ không có các động tác chăm sóc hàng hóa chuyên nghiệp, không biết đặc tính hàng hóa nào không được để gần hàng hóa nào, bố trí line hàng ra sao, dán nhãn thông tin kiểu gì, đối chứng sổ sách như thế nào.

  • Là bộ phận ít được quan tâm trong ngân hàng.

Anh chị nào chưa tin cứ đi thực tế kho hàng hóa các kho tạm giữ của ngân hàng là biết nha. Mình nghĩ lý do lớn nhất mà Ngân hàng phải tự làm hết là để bảo mật thông tin và thời buổi làm ăn trước đây cũng dễ nên chả mấy ai quan tâm ba cái chuyện logistics này, cứ dúi vào tay mấy bạn người nhà rồi đâu cũng vào đấy. Tư duy này, ở thời điểm hiện nay, có lẽ đã lỗi thời.


CƠ HỘI MỚI CHO NGÀNH NGÂN HÀNG VỀ QUẢN LÝ TÀI SẢN ĐẢM BẢO

Hiện nay, dư địa thế chấp tài sản bằng Bất động sản có vẻ đang gặp khó khăn vì nhiều lý do khác nhau. Theo nghiên cứu của IFC, “tài trợ có bảo đảm bằng Động sản là trụ cột của Tài trợ thương mại”.

NGÂN HÀNG THÊM KHÁCH, NHÀ KHO THÊM VUI
Tài trợ có bảo đảm bằng Động sản là trụ cột của Tài trợ thương mại

Ở Việt Nam, dư địa này chưa được quan tâm khai thác hết, trong khi đó, trên thế giới, các ngân hàng có đủ năng lực thẩm định tài sản và chấp nhận tài sản thậm chí là những thứ vô hình như Bản quyền hay là Khoản phải thu. (nói thêm, hồi mình làm Công ty phần mềm, khi hỏi về tài sản đảm bảo là bản quyền phần mềm, các ngân hàng đều lắc đầu,.. để thấy rằng cơ hội này chưa được quan tâm khai thác chứ không phải là tài sản không có giá trị).


NGÂN HÀNG THÊM KHÁCH, NHÀ KHO THÊM VUI
Ngay cả hàng tồn kho, hàng bán thành phẩm, bản quyền.. cũng có thể dùng để thế chấp

Bạn có biết doanh nghiệp rất cần giải pháp tài chính để nắm bắt cơ hội kinh doanh, nhưng cứ kiểu “Anh có bất động sản thế chấp không?” là thấy thua. Mình ví dụ nhé:

  • Mùa bánh trung thu ngắn lắm, 1-2 tháng, nhưng nhu cầu tăng. Có người chỉ muốn kinh doanh trong mùa này thì làm gì có lịch sử giao dịch?

  • Mùa mía, mùa lúa, mùa thu hoạch nông sản cũng tương tự, lúc đó người thu gom cần tiền để gom hàng và bán cho nhà máy, nhưng ngân hàng nào dám cho vay?

  • Các mùa mua sắm cuối năm, lễ Tết, có cơ hội kinh doanh nhưng nhà bán hàng nhỏ lẻ không được cho vay vì không đánh giá được tính khả thi.

Còn khi ngân hàng có đủ năng lực thẩm định và chấp nhận bước vào phân khúc này thì sao? Luồng giao dịch sẽ như sau:

NGÂN HÀNG THÊM KHÁCH, NHÀ KHO THÊM VUI
Luồng công việc trong dịch vụ Tài trợ kho hàng

(ghi chú: CMC là Công ty quản lý tài sản đảm bảo).

Giải pháp này giúp giải quyết bài toán tài trợ hàng hóa, rút ngắn thời gian của dòng tiền, giúp công tác kinh doanh được nhanh chóng hơn, đáp ứng nhu cầu chuyển động liên tục của thị trường, nhất là trong giai đoạn thương mại điện tử đang lên ngôi như hiện nay.


NGÂN HÀNG THÊM KHÁCH, NHÀ KHO THÊM VUI
Các hình thức tài trợ kho hàng đang phát triển ở các thị trường nâng cao

NGÂN HÀNG THÊM KHÁCH, NHÀ KHO THÊM VUI

Trong khi đó, sinh sống bằng nghề logistics, các công ty dịch vụ Logistics Việt Nam đã có bước tiến rất dài về cả diện tích, năng lực quản trị, phương tiện, trình độ đến quy trình vận hành.

NGÂN HÀNG THÊM KHÁCH, NHÀ KHO THÊM VUI
Thống kê diện tích kho hàng khu vực miền Bắc và miền Nam
NGÂN HÀNG THÊM KHÁCH, NHÀ KHO THÊM VUI
Thị trường kho được chia thành 3 nhóm theo 3 tiêu chuẩn chất lượng từ cao đến thấp (Nguồn: VLA)

Với năng lực như hiện nay, có thể nói phía Logistics là sẵn sàng để đáp ứng nhu cầu dịch vụ phía Ngân hàng yêu cầu. Lợi ích của việc hợp tác có thể tóm tắt như hình sau:


NGÂN HÀNG THÊM KHÁCH, NHÀ KHO THÊM VUI
Sự hợp tác giữa doanh nghiệp logistics và tổ chức tín dụng trong quản lý tài sản đảm bảo – góc nhìn về lợi ích

Như vậy, có thể nói, ý tưởng này tuy không mới trên thế giới nhưng vẫn đang ở giai đoạn sơ khai ở Việt Nam. Mình tin rằng sớm muộn gì xu hướng hiện đại hóa trong quản trị kho bãi trong ngành ngân hàng và khơi thông luồng vốn cho thị trường doanh nghiệp SME năng động sẽ phải diễn ra. Mong các bạn bè trong ngành ngân hàng lưu tâm về hướng đi này nha!


Tải tài liệu tham khảo từ sự kiện ở đây


Trân trọng và Yêu thương.

126 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
bottom of page