Ngày 2/12/2023, mình có cơ hội tham gia làm giám khảo cùng Câu lạc bộ Sáng tạo Học thuật Khoa Cơ khí (C.A.T CLUB) - Đại học Bách Khoa Tp.HCM với cuộc thi “Toward Smarter Logistics”. Kết hợp với các lần tham gia chấm thi một số cuộc thi dành cho sinh viên ngành Logistics (điển hình là giám khảo ở vòng chung kết cuộc thi Vietnam Young Logistics Talents năm 2022 và mentor cho các bạn sinh viên trong các cuộc thi về Supply chain khác), mình chia sẻ 5 góp ý cho các Bạn Sinh viên đang ở năm 1, năm 2 để làm tốt hơn trong các năm tới.
1. SINH VIÊN ĐI THI LÀ ĐỂ TĂNG TRẢI NGHIỆM
Đi thi thì sẽ mất thời gian, sẽ qua nhiều vòng thử thách, phải học rất nhanh trong thời gian ngắn. Có luồng ý kiến cho rằng chỉ cần tập trung học để có điểm cao, còn các phòng trào đi thi là vô bổ, tốn thời gian hoặc quá tầm của Sinh Viên. Quan điểm của mình: “Đi thi cho Bạn cơ hội tăng trải nghiệm bản thân, mở rộng vùng an toàn”. Môi trường các cuộc thi giúp Bạn làm quen dần áp lực công việc, nắm được các tiêu chuẩn cuộc thi yêu cầu (tác phong, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng trình bày, tranh biện, sáng tạo..) thì sẽ có sự chuẩn bị tốt hơn cũng như khả năng chọn lựa con đường nghề nghiệp thuận lợi hơn.
Một khi chọn tham gia cuộc thi thì chỉ tệ nhất là Bạn không có giải, chứ đã quyết tâm tham gia là đã học được rất nhiều điều. Hồi xưa mình cũng nhác lắm, năm 1 – năm 2 chủ yếu đi quan sát, ngó nghiêng chứ chưa dám thể hiện gì, sau này mới thấy có phần thiệt thòi, giá mà mạnh dạn giao lưu các lớp đi trước, mạnh dạn tham gia các cuộc thi từ sớm thì sẽ có nhiều sự tự tin hơn.
2. CHỌN LÀM CON CÁ TO TRONG HỒ NHỎ
Theo quan sát của mình, khi đi thi, phải nói là có tới 60-70% các đề tài được chọn mang tính thời thượng rất cao: giải quyết bài toán được mùa mất giá của nông dân, giải quyết bài toán logistics xanh trong phân phối hàng tiêu dùng, giải quyết bài toán rác thải vì môi trường… Rất ý nghĩa, rất trendy nhưng vì nguồn lực có hạn, các Bạn bị sa vào câu chuyện mô tả vấn đề (vốn rất to) và giải pháp thì sao chép lại công việc mà một vài Start up khác đã làm (rất bé và chưa thành công), nên không còn phản ánh được giá trị tư duy của các Bạn.
Thay vào đó, nếu các nhóm Sinh viên chọn một doanh nghiệp cụ thể, có bài toán rất rõ ràng (vd: tối ưu hóa hoạt động giao hàng bằng Machine learning) và đem lại được kết quả cải tiến thì mình đánh giá cao cách tiếp cận này: kết nối được phương pháp học thuật với nhu cầu quản trị thực tế. Xin thưa, trong nhiều doanh nghiệp hiện nay, hoạt động số hóa chưa nhiều và kể cả có số hóa thì cũng thiếu người biết phân tích, ứng dụng các công cụ hiện đại như AI, Machine Learning.. để giải quyết vấn đề, nên đất diễn của các Bạn sẽ rất nhiều.
3. ĐỊNH VỊ BẢN THÂN/ĐỘI NHÓM RÕ RÀNG
Phần lớn các đội thi là Sinh viên, do rất thiếu nguồn lực nên không định vị rõ ràng được bản thân, thành ra khi nêu ra bài toán thì chủ yếu vào internet đọc báo, ghép 3-4 bài báo lại là ra vấn đề, rồi tham khảo các giải pháp mơi mới một tí và lắp lên file ppt là xong. Thành ra, khi đưa ra ý kiến đề xuất, các Bạn thường đưa ra những câu rất khẩu hiệu như: Nhà nước cần quan tâm tới vấn đề X, người nông dân hãy dùng công cụ Y, Doanh nghiệp hãy làm điều Z. Cách nói vo kiểu “không trúng, không trật” sẽ gây khó cho người theo dõi.
Hồi cách đây 5 năm, ở cuộc thi Vietnam Young Logistics Talents, mình còn nhớ đội thi từ trường ĐH GTVT do cô Hòa hướng dẫn đã kiên nhẫn cùng nhau dậy đi chợ nông sản Thủ Đức lúc 2h sáng để nắm vấn đề thực tế, trực quan và đưa ra được sáng kiến rõ ràng, thuyết phục (năm đó, đội hình này giành giải Nhất – rất xứng đáng). Các Bạn đã định vị mình là những người con của đất Bình Thuận, thủ phủ của Thanh Long và nỗ lực tìm giải pháp đóng góp cho quá trình logistics của mặt hàng Thanh Long Bình Thuận. Tương tự như vậy, khi định vị rõ ràng Bạn là ai, có năng lực gì, muốn giải quyết vấn đề gì và Đề xuất là gì, cho Ai, thì câu chuyện của Bạn có tính thuyết phục hơn nhiều.
4. KỸ NĂNG TRÌNH BÀY ĐỂ CHIẾN THẮNG
Mình rất buồn khi phải nói có tới khoảng 70-80% các bạn Sinh viên chọn các đọc slides hoặc đọc file text chứ không phải là đang thuyết trình – thuyết phục người khác thông qua trình bày. Các Bạn mắc khá nhiều lỗi cơ bản trong trình bày: không giao tiếp bằng mắt, không tương tác với người nghe, chăm chăm đọc slides, trang phục sơ sài..
Nếu so với các bạn sinh viên từ các trường có tiếng như RMIT, Ngoại thương,.. thì các bạn Bách Khoa, SPKT, HUTECH,.. tuy khả năng tư duy logic, deep learning có thể cao hơn nhưng khả năng trình bày là rất dễ bị áp đảo. Giảng viên thường tập trung vào nội dung chuyên môn và ít hướng dẫn nên cách trình bày cũng sinh viên nhóm kỹ thuật trở nên na ná nhau, thiếu tính hấp dẫn và thuyết phục. Nhưng người có bản lĩnh thì sẽ có sự đầu tư chuẩn bị nghiêm túc cho kỹ năng này.
5. RÈN LUYỆN CHIẾN LƯỢC ĐỂ CHIẾN THẮNG
Các Bạn có để ý một năm có bao nhiêu cuộc thi về chủ đề Logistics dành cho sinh viên không? Ít nhất cũng có 10 cuộc thi, trong đó, cũng không hạn chế sinh viên các trường khác nhau tham gia. Vậy nếu như Bạn muốn chiến thắng thì có thể chủ động lập team, trong đó xác định rõ thành viên nào và có kỹ năng đặc biệt gì, và tùy yêu cầu từng cuộc thi cụ thể để chủ động thể hiện.
Cách này giúp các Bạn tiết kiệm rất nhiều thời gian và ít nhất sẽ phải thắng một vài giải thưởng vì: đội hình quen thuộc – hiểu rõ năng lực của nhau, có chung sự cam kết, tích lũy kinh nghiệm qua các cuộc thi, che chở - bọc lót cho nhau, am hiểu “gu” của Ban giám khảo trong các cuộc thi để đưa ra thông điệp phù hợp (nếu Bạn để ý sẽ thấy có khoảng 30-40 giám khảo thường xuyên xuất hiện ở các cuộc thi về Logistics/Supply Chain, nên sẽ có “style” cụ thể dễ nhận ra).
Tóm lại, tham gia các cuộc thi là một cách thức để học thêm kỹ năng, tích lũy trải nghiệm và bồi đắp sự tự tin của các bạn Sinh viên, nên đừng để hoài phí thời gian, tuổi trẻ nhé các Bạn. Ở phía nhà tuyển dụng, họ sẽ ưu tiên chào đón các bạn Sinh viên có thành tích rõ ràng, có quyết tâm, có kỹ năng. Cho nên, mong các Bạn tận dụng tốt thời gian thanh xuân tuổi trẻ để tự tin, mạnh mẽ nha!
Trân trọng và Yêu thương,
Comments