top of page

BẠN CẦN CÔNG VIỆC HAY MUỐN SỰ NGHIỆP?

Đã cập nhật: 25 thg 10, 2023

Hôm qua, 22/10, mình có duyên đi chia sẻ với các bạn sinh viên ở Viện Đào tạo quốc tế Nguyễn Tất Thành (NIIE) về ngành logistics. Có một câu hỏi thú vị: “Em là sinh viên năm nhất, hiện đang được một công ty nhận vào thực tập ở vị trí Nhân viên chứng từ. Trường mình có đào tạo cho em làm được nhân viên chứng từ không?”.


BẠN CẦN CÔNG VIỆC HAY MUỐN SỰ NGHIỆP?
Chia sẻ cùng Tân sinh viên Viện đào tạo quốc tế Nguyễn Tất Thành (NIIE)

Trước khi đi tiếp, mình cần làm rõ về khái niệm.

Công việc (Job) là một vị trí cụ thể được thực hiện theo mô tả công việc và được nhận tiền lương/thù lao/tiền công định kỳ theo khung thời gian thỏa thuận (theo giờ/ngày/tuần hoặc tháng). Ví dụ của công việc trong ngành logistics là: thủ kho, lái xe nâng, nhân viên soạn hàng, trưởng kho, nhân viên chứng từ, điều phối viên vận tải..

Sự nghiệp là một quá trình làm việc, tích lũy kinh nghiệm, trải nghiệm và có thành quả cụ thể, rõ ràng. Thành quả có thể bao gồm:

  • Vị trí chức danh: như trưởng phòng, giám đốc, chủ tịch, lãnh đạo hiệp hội doanh nghiệp, đại sứ danh dự..

  • Tài sản: tiền bạc, nhà cửa, xe hơi, du thuyền..

  • Lối sống: tự do về giờ giấc, phong cách sang chảnh, “trùm” chạy bộ, iRonman, "thánh" hàng hiệu..

  • Uy tín: được nhiều người biết, được nêu tên trên các phương tiện truyền thông đại chúng

  • Di sản để lại: đào tạo ra những nhân sự giỏi, xuất bản sách, hình ảnh/video, công bố kết quả nghiên cứu khoa học,...

Sự nghiệp cần một quá trình dài để có thể hiện thực hóa được ra các thành quả cụ thể.

Quay lại câu hỏi nói trên, mình thấy tâm lý “người mua dịch vụ giáo dục” thời nay khá rõ, kiểu như: “Em mua hàng của Anh Chị thì lợi ích em nhận được là gì?” Hoặc “Tại sao em nên chọn trường mình mà không học trường khác?”. Góc nhìn của mình như sau:


NẾU BẠN CẦN CÔNG VIỆC..

Công việc cho ta thu nhập, dễ thấy. Một bạn trẻ có sức khỏe, chịu khó học hỏi, được hướng dẫn từ từ trên công việc thì bạn ấy sẽ làm tốt thôi. Cho vị trí Nhân viên chứng từ nói trên thì chắc tầm 2-3 tháng là Bạn có thể làm việc tốt rồi, chả cần đi học đại học làm gì cho tốn tiền và tốn thời gian.

Bạn có thể tìm học các khóa đào tạo kỹ năng nghề nghiệp này từ các trung tâm đào tạo uy tín như Tân Cảng STC, Viện đào tạo OneX, Xuất nhập khẩu Lê Ánh.. Các công việc khác như Dịch vụ khách hàng (Customer service), điều phối vận tải, chuyên viên vận hành kho, bán hàng ở siêu thị.. cũng tương tự.

Mặt tích cực khi một bạn trẻ có việc làm là đáp ứng mong cầu từ quý Phụ huynh. Nhiều Phụ huynh có chung quan điểm rằng khi con mình có được một công việc là một bằng chứng cụ thể về thành công. Nên các Phụ Huynh thường áp lực với con mình chuyện phải có việc làm và dễ có nhiều “lời ong, tiếng ve” khi Con mình lỡ tốt nghiệp Đại học mà chưa có công ty tuyển.

Tin buồn là, khi Bạn đi làm ở công việc cụ thể như nhân viên chứng từ nói trên, và hài lòng với công việc ấy, cuộc đời Bạn nhiều khả năng sẽ đi vào quỹ đạo an toàn – dễ dàng quá sớm. Điều đó sẽ tốt nếu Bạn vào được một công ty tốt, tăng trưởng liên tục và mặt bằng thu nhập được tăng dần từng năm (ví dụ như Viettel Post hay Thế giới Di động). Tuy nhiên, chỉ cần một “cơn sóng” nào đó rung lắc mạnh: Cô Vy nè, tình hình suy giảm nhu cầu nè, làn sóng cắt giảm nhân sự.. thì có rất nhiều bạn đã từng an toàn sẽ cảm thấy sự chông chênh, tròng trành mạnh. Chuyên gia nhân sự Bùi Đoàn Chung đã chia sẻ trên VnExpress về chủ đề “Trả giá khi ngừng nỗ lực ở tuổi 30”, bạn có thể đọc thêm.

Như vậy, có một việc làm là tốt, nhưng cũng có mặt trái của nó. Hồi đi học đại học, mình ngưỡng mộ các Bạn vừa đi học vừa đi làm, họ vẫn ra trường đúng hạn, lại có thêm nhiều kinh nghiệm và được trả lương, có thu nhập nên phong cách hoành tráng hơn hẵn đội sinh viên nhà nghèo hiếu học như tụi mình. Sau này, Thầy giáo của mình chia sẻ “Chúng ta chỉ học tốt ở một số giai đoạn trong cuộc đời, nên nếu Bạn đi làm quá sớm, hy sinh thời gian đáng lẽ nên học để đi làm, thì Bạn đang bán rẻ tương lai của mình”. Sau 20 năm đi làm thực tế, mình nghiệm ra điều Thầy nói là đúng.

..HAY MUỐN SỰ NGHIỆP?

Chúng ta thường lấy Công việc là Thước đo thành công của công tác giáo dục. Các trường Đại học đều cố gắng có được thống kê số lượng sinh viên của trường có việc làm hay không, ngon hơn thì việc làm có tốt hơn (ví dụ như từ các Tập đoàn danh tiếng) và từ đó tạo áp lực lớn cho các Bạn xuất phát chậm về sự nghiệp.

Công việc là một nấc thang trên thang Sự nghiệp. Bạn có thể làm nhiều công việc khác nhau để hình thành nên một sự nghiệp rõ ràng. Cá nhân mình đã đi qua 20 năm làm việc, lênh đênh qua hơn 20 doanh nghiệp, nắm giữ nhiều vị trí khác nhau từ thấp tới cao. Dưới đây là những quan điểm cá nhân của mình về lý do Bạn cần quan tâm đến việc đầu tư cho sự nghiệp:

  • Sự nghiệp là hành trình lâu dài, lâu thấy, khó đo lường. Nhưng nó cũng là cái giá rất xứng đáng để Bạn đầu tư thời gian, công sức của mình. Thử nhắm mắt lại và tua tới thời điểm nghỉ hưu, Bạn muốn được nhắc đến về điều gì? Có công việc xyz hay có được sự nghiệp? Cuộc sống có nhiều biến động khó lường, công ty Bạn đang gắn bó có thể vì lý do tình hình kinh doanh khó khăn phải cắt giảm lao động, khi đó, nếu có sự nghiệp, Bạn vẫn dễ dàng bươn chãi, học cái mới, tìm việc mới thay vì chỉ loanh quanh quanh kinh nghiệm ở công việc cũ.

  • Nếu để có một công việc, Bạn có thể lao vào học hỏi và làm thuần thục trong vòng vài tháng. Nhưng để quản trị một đội ngũ lớn hơn, thiết kế lại quy trình làm việc, biết các khe hở trong quản trị, lèo lái tổ chức trong những giai đoạn khó khăn, Bạn cần có một nội lực vững vàng. Điều này chỉ có thể tích lũy qua quá trình làm việc sâu sắc, học hỏi liên tục và tư duy tích cực.

  • Trường Đại học cung cấp cho Bạn một môi trường học tập, rèn luyện. Cộng với khả năng hấp thu của Bạn và nhu cầu trên thị trường lao động, việc khởi đầu sự nghiệp sẽ thuận lợi hay khó khăn. Nhiều Bạn có tâm lý ỷ lại, cho rằng trách nghiệm của Trường Đại học là cho mình công việc (bao đầu ra) và thấy thất vọng khi học xong mà không được tuyển dụng. Thực tế, đó là một quá trình hai chiều. Nhà trường, Thầy cô nào cũng muốn các Bạn có được công việc tốt, nhưng hiện thực hóa nó sẽ do Bạn chủ động quyết định.

  • Kiến thức được cập nhật liên tục. Chương trình đào tạo Đại học chủ yếu cho bạn Phương pháp học tập, Khung kiến thức còn chuyện bồi đắp, tiếp nạp kiến thức sẽ nằm ở sự chủ động của Bạn. Chắc bạn vẫn nhớ câu “Sự học như con thuyền ngược nước, không tiến ắt phải lùi”. Khi nắm vững phương pháp, có tư duy hệ thống, cách tiếp cận của Bạn sẽ nhanh chóng, hiệu quả, trực diện vào vấn đề.

  • Trường Đại học cho bạn đề bài, nhiệm vụ của Bạn là đi tìm lời giải. Cuộc đời thường ngược lại, bắt Bạn phải nghĩ ra đề bài, tìm lý do cho vấn đề chứ không nhấn mạnh cách giải. Nên nếu chỉ biết giải bài mà không biết cách nghĩ ra đề bài, Bạn sẽ mãi loay hoay. Và khủng hoảng tuổi trung niên sẽ chào đón Bạn với toan tính nhấn chìm Bạn đấy.

  • Các công ty Đa quốc gia – tiềm lực mạnh rất thích tuyển sinh viên giỏi, sáng láng, chả cần tí kinh nghiệm nào, cứ vào rồi đào tạo, hướng dẫn thì các bạn trẻ ấy học hỏi rất nhanh, chiến đấu rất nhiệt tình và trở thành những quản lý cấp trung giỏi trong vòng 3-5 năm. Chi phí lương cho quản lý là khoản chi phí lớn, sử dụng nhân sự trẻ này là sự đầu tư khôn ngoan, không chỉ giảm chi phí quản lý trong tương lai mà còn góp phần gia tăng nhịp làm việc năng động trong tổ chức, hạn chế tính ỳ của các nhân sự có tuổi. Ở các tập đoàn lớn, người ta nói về sự luân chuyển công việc và con đường sự nghiệp đối với các nhân sự có nhiều tiềm năng.

Tóm lại, con đường sự nghiệp của một người rất đáng quý, cần sự đầu tư kiên trì, kiên định và định hướng thật rõ ràng. Có rất nhiều bạn trẻ đang bị thiếu thông tin, chưa biết mình muốn gì và chưa chọn được một hướng đi rõ ràng, thiếu quyết tâm thì sẽ gặp nhiều khó khăn, loay hoay trên hành trình sự nghiệp. Mong các Bạn dành thời gian để tìm hiểu bản thân, chọn con đường và dồn quyết tâm!


Trân trọng và Yêu thương,

103 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
bottom of page