top of page

QLNL – P3 – VÌ SAO TÔI THI RỚT VINACAPITAL?

Đã cập nhật: 20 thg 9, 2023


Đây là chuỗi bài viết về những điều mình học được từ hội thảo “Expert Talks #5: Quản trị năng lượng - Bí kíp dẫn dắt của người lãnh đạo”, rất gần gũi với mỗi người chúng ta, hy vọng sẽ hữu ích với các Bạn trên con đường đi tìm Hạnh Phúc. Chủ đề kỳ này: “VÌ SAO TÔI THI RỚT VINACAPITAL?”.



Vì sao tôi thi rớt Vinacapital
Năng lượng tích cực là nhiên liệu tốt cho tổ chức


VÌ SAO TÔI THI RỚT VINACAPITAL?


Nếu Bạn còn nhớ, giai đoạn 2006-2007 là giai đoạn hoàng kim của Chứng khoán ở Việt Nam. Mình còn nhớ cổ phiếu FPT được giao dịch ở giá 600k, DongA Bank khoảng 200k/cp. Trong giai đoạn đó, rất nhiều quỹ đầu tư xuất hiện và trả lương rất cao cho nhân sự. Tự tin với kinh nghiệm 4 năm ở P&G Việt Nam, mình hăm hở ứng tuyển vào Quỹ DFJV – một quỹ VC giữa Vinacapital và Draper Fisher Jurvetson (viết tắt là DFJ). Với nền tảng tiếng Anh chấp nhận được trong tập đoàn MNC hàng đầu và kiến thức tổng quát về Supply Chain, mình nhanh chóng vượt qua buổi phỏng vấn với anh Quang Nguyễn – Giám đốc của Quỹ ở thời điểm đó, anh Hoàng Đức Trung và chị Quách Duệ (thời điểm đó chị Duệ làm ở Quỹ VOF). Vì sao tôi thi rớt Vinacapital?


Chắc mẫm là mình sẽ được tuyển vì có nhiều người quen làm bên Vinacapital, mình có phần tự tin khi bước vào vòng cuối, gặp các Anh Chị cấp Middle Manager, những người sẽ dự kiến làm việc trực tiếp với mình nếu đạt yêu cầu. Các Anh Chị hỏi mình 2 câu mà sau này sau này mình biết là mình bị rớt:

  • Hỏi: Bạn có biết DCF không?

  • Đáp: Dạ không! (mình có học nhưng mà quên, không ghép được chữ Discounted với chữ Cashflow).

  • Hỏi: Bạn sẽ đem lại giá trị gì cho team?

  • Đáp: Em sẽ làm team mình vui vẻ!

Okie, cảm ơn Bạn đã dành thời gian, chúc Bạn may mắn..chỗ khác nghen!


Vì sao mình rớt? Đơn giản là vì mình không phù hợp với công việc mà các Anh Chị ở DFJV cần. Mình cũng đã oán hận, đã dằn vặt và nung nấu chuyện đi học CFA để chứng minh về chuyện “Bạn không có background tài chính”. Và cuộc đời cũng không muốn mình dễ dàng đến đích nên cho mình rớt oạch lần 1, rồi tới lần 2, mà Bạn biết đó, mỗi lần rớt là mất 6 tháng rèn luyện cộng với khoảng 1,000 usd phí đi thi. (ghi chú: nhà nghèo nên quyết tâm không đi học thêm mà chỉ có tự học). Tới lần thứ ba, kỳ thi tháng 6 năm 2009, mình đã thi đậu Level 1 – CFA.


Và mình quyết định lưu kỷ niệm ở đó, không đi theo con đường CFA nữa khi Bạn mình nói “Cấp độ 2 có khoảng 1,000 công thức tài chính”. Bạn biết không, sẽ có người nói “Sao không theo đuổi tới cùng?” và cũng có người nói “Quay đầu là bờ”. Chuyện đúng hay sai thì 10 năm sau mới biết, nhưng mình quyết định Quay đầu. Vì sao vậy? Nếu cuộc đời chỉ có 1 biến số thì có lẽ việc quyết định và đánh giá rất dễ dàng. Nhưng với mình: đón con gái đầu lòng, bắt đầu công việc mới ở VNBC (Vina Brilliant Card) thì thứ tự ưu tiên không còn là chuyện hơn thua bằng cấp. Ai nói mình ngu, mình yếu, mình cũng chịu. Sự thật nó vậy mà!


KHI THÁI ĐỘ LÀ MỘT TÀI SẢN!


Trong hội thảo QTNL, anh Phạm Duy Hiếu chia sẻ câu chuyện: Trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay, cứ nhìn ông nào còn giữ được năng lượng tích cực, biểu hiện là chăm chỉ tập thể dục, có mặt ở công sở đúng giờ, cười nói vui vẻ kể cả khi số chưa đạt, thì nhất định ông đấy sẽ có cơ hội "sống sót" và sẽ nhanh chóng bứt phá khi "mùa xuân lại về". Khi đó, nhiệm vụ của CEO chỉ là tìm kiếm, truyền động lực để có nhiều con người tích cực như vậy thì tổ chức nhất định sẽ ổn!


Tối hôm qua, có dịp nghe cô Patricia Marques (GM của Starbuck Vietnam) chia sẻ một câu hỏi tương tự:

  • Hỏi: “Nếu chọn giữa một nhân sự có chuyên môn với một nhân sự có thái độ tốt, Bạn chọn ai?”.

  • Patricia Marques: “À, câu trả lời là TÙY. Nếu Tôi là Giám đốc Bệnh viện, dĩ nhiên tôi phải chọn người có chuyên môn. Nhưng Công ty chúng tôi cung cấp dịch vụ khách hàng thì Tôi sẽ chọn nhân sự có thái độ Tốt”.

À há! Hồi 2005, anh Lê Trí Thông, CEO của PNJ bây giờ đã hỏi tôi khi Tôi muốn đi du học: “Em chọn làm Specialist hay làm Generalist?”. Tôi đắn đo mãi và cũng chưa đưa ra được câu trả lời một cách rõ ràng. Bây giờ, trải qua 18 năm lăn lộn, tôi hiểu ra cuộc đời mình chính là một Generalist, và với người như Tôi, Thái độ lại là một thứ tài sản. Vì sao?


Mình không phủ nhận có những giai đoạn mình trở nên im lặng trên mạng xã hội. Người nào quen thân sẽ hiểu ngay đó là tín hiệu mình bước vào những cơn sóng trầm cảm. Những khoảng thời gian như vậy, đừng ai hỏi han mình nhé, mình làm biếng trả lời lắm, sợ gặp con người lắm. Như một con thú bị thương, mình muốn chui vô một cái hốc, ngồi yên chờ vết thương “đâm da, kết thịt” trở lại. Thường thì lại sẽ có những cơ duyên bên ngoài đưa mình ra khỏi “ốc đảo”, quay lại giang hồ với một nguồn năng lượng mới chứ không phải tự nhiên mà đạt tới cảnh giới mới đâu. Ngoài những khoảng thời gian nói trên, phần lớn thời gian còn lại Bạn biết về mình là vì mình có khả năng KẾT NỐI. Bạn có biết vì sao nhiều người muốn chơi với mình không?


  • Vì mình HAY CƯỜI. Mãi sau này mình mới biết thứ đó được gọi là NĂNG LƯỢNG TÍCH CỰC. Người lạ gặp mình, Họ sẽ nhận được một nụ cười. Người quen gặp mình, sẽ cười no nê. Cười làm chúng ta trẻ, bớt stress và bớt ăn, mà bớt ăn thì bớt mập, bớt mập thì bớt bệnh. Đơn giản là vậy á!

  • Và ngoài nụ cười, khi họ hỏi mình về một vấn đề, gần như ngay lập tức mình sẽ có câu trả lời, nhưng không phải mình là người giải quyết được, mà là mình BIẾT AI GIẢI QUYẾT ĐƯỢC, và quan trọng là NGƯỜI ĐÓ BIẾT MÌNH. Đơn giản vậy thôi!


Trong khi Bạn bè mình nỗ lực đi học Thạc sỹ, Tiến Sỹ, đi đầu tư Đất Đai, Chứng Khoán, đi nhậu nhẹt với các VIP, mình lặng lẽ đi gặp người này, đàm đạo với người kia, kết nối với nhóm nọ. Như con ong cần mẫn, con kiến kiên trì, mình nạp profile của từng người mình gặp để khi có một câu hỏi nổi lên, bộ vi xử lý trong người mình phản hồi ngay kịch bản ứng phó: gặp ai, nói cái gì để họ đồng ý. Điều này nó nhẹ nhàng và tự nhiên như một hơi thở mà mình không cần cố gắng gì cả. Nên nếu có người hỏi mình Giỏi điều gì? Về chuyên môn, mình chả có gì sâu sắc đâu, chẳng qua hỏi đâu thì có chút “manh mối” về chủ đề đó và cộng thêm thời gian, nguồn lực thì có khả năng vẽ được một bức tranh và trình bày được một cách dễ hiểu nhất cho tất cả mọi người. Có lẽ, kỹ năng này phù hợp với một ông giáo nghèo, các Bạn à!


Tóm lại, qua 20 năm lăn lộn chốn trường đời, mình nghiệm ra được tài sản tích lũy lớn nhất của mình lúc này là THÁI ĐỘ (thuật ngữ quản trị mỹ miều ngày nay gọi đó là Resilience Leadership) và giá trị mình tạo ra được cho một Tổ chức, Đội nhóm là LAN TỎA NĂNG LƯỢNG TÍCH CỰC. Từ năng lượng này, Tổ chức có đạt được kết quả hay không có lẽ sẽ còn phụ thuộc nhiều vào HỒNG PHÚC của mỗi bên, có khi chưa đúng thời điểm thì cũng chưa có kết quả, nhưng những khoảng khắc vui vẻ chân thành đã trải qua cùng với nhau, đó là SỰ THẬT.


Thôi thì, hãy thực hành sống trong HIỆN TẠI, cảm nhận sâu sắc những may mắn mình đang có, sống với sự biết ơn mỗi ngày, Bạn nhé! Chúc may mắn sẽ luôn bên Bạn ở những thời khắc quan trọng nhất trong đời!


Mời bạn xem các bài liên quan đến chủ đề Quản trị năng lượng

KỲ VỌNG > THỰC TẾ => ĐAU KHỔ KỲ VỌNG < THỰC TẾ => HẠNH PHÚC Vậy làm sao để sống HẠNH PHÚC?


Giàu thường được nhìn ở hệ quy chiếu tiền bạc. Nhưng thực ra, ở những thang đo giá trị khác, Bạn cũng là những người GIÀU có. Và nếu Bạn chưa Giàu ở thang đo nào đó, Bạn hoàn toàn có cách để tiến dần đến mục tiêu mỗi ngày!


Rõ ràng là Chạy bộ lên ngôi rồi đó, nhân viên muốn chạy lúc nào là chạy, thì tại sao Công ty lại phải tổ chức giải chạy bộ, mà lại phải là trực tuyến?

Trân trọng và Yêu thương,


347 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
bottom of page